Việc xử phạt các cơ sở giết mổ lậu hiện nay tại Đồng Nai chưa đủ sức răn đe, cộng với mật độ cư dân đông khiến việc kiểm soát tình trạng này khó càng thêm khó.
Cần sự có chế tài mạnh tay hơn với cơ sở giết mổ lậu
Việc xử phạt các cơ sở giết mổ lậu hiện nay tại Đồng Nai chưa đủ sức răn đe, cộng với mật độ cư dân đông khiến việc kiểm soát tình trạng này khó càng thêm khó.
Từ khi thành lập đến nay, chưa khi nào lò mổ của HTX Hiệp Nhất, xã Phú Lâm, huyện Tân Phú có thể giết mổ số lợn và trâu bò như đúng công suất và nhu cầu của thị trường. Lượng gia súc mà hợp tác xã giết mổ và cung cấp ra thị trường cũng chỉ bằng khoảng 70% so với nhu cầu thực tế. Lí do là lò mổ của hợp tác xã không thể cạnh tranh được với các lò giết mổ lậu, tự phát trên địa bàn huyện.
Ông Trần Văn Châu, Giám đốc HTX Hiệp Nhất, xã Phú Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai:Người giết mổ lậu thì họ không bị mất phí thú y, thuế và những chi phí bắt buộc khác thì đương nhiên họ sẽ bán rẻ hơn. Khách hàng người ta phản ánh nhưng mà chúng tôi cũng đã có ý kiến nhưng mà họ cứ chây lì ra thì chúng tôi đâu có cách nào làm được.
Không chỉ có các lò mổ tập trung bị ảnh hưởng mà các lò mổ hiện đại với mức đầu tư lớn cũng đang chật vật cạnh tranh với lò giết mổ lậu. Không đủ sức cạnh tranh khiến các dây chuyền giết mổ không thể hoạt động hết công suất, họ đành “trùm mền” vì càng làm càng lỗ.
Dù các đoàn liên ngành của tỉnh và địa phương đã thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử phạt những cơ sở giết mổ lậu. Thế nhưng vì lợi nhuận cao, họ sẵn sàng chịu phạt và lén lút hoạt động trở lại sau đó một thời gian. Thậm chí, chủ các lò mổ giết mổ lậu sẵn sàng chống trả lại sự cưỡng chế của đoàn kiểm tra liên ngành.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai:Tỉnh cũng như các chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã đã triển khai rất nhiều năm qua, với nhiều biện pháp. Trong đó là có thành lập các đội liên ngành để xử lý các cái cơ sở giết mổ lậu này. Tuy nhiên, trong thực tế thì diễn biến rất phức tạp, bởi vì cái này là do cái lợi nhuận nó cao cho nên là người dân vẫn bất chấp và thực hiện cái này.
Dù đã có nhiều biện pháp xử lý nhưng tình trạng giết mổ lậu vẫn xảy ra. Lực lượng thú y mỏng, mật độ dân cư đông, cộng thêm địa bàn lớn và các lò mổ lậu thường lén lét hoạt động trong đêm nên rất khó kiểm soát. Hơn nữa, cơ chế xử phạt các tình trạng cố tình vi phạm giết mổ lậu hiện nay được xem như chưa đủ sức răn đe, còn khá thấp so với lợi nhuận từ hành động này.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai:Mức xử phạt rất thấp, từ 5-7 triệu đồng cho một hành vi như thế. Sau khi xử phạt thì buộc phải xử lý chín sản phẩm. Tuy nhiên tôi thấy rằng là việc xử phạt như thế vẫn chưa được nghiêm. Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên Bộ NN-PTNT, trình lên Chính phủ để điều chỉnh mức xử phạt đó. Giải pháp căn cơ vẫn phải là chính quyền địa phương cấp xã, phường.
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai có 40 cơ sở giết mổ tập trung đang còn hoạt động, hầu hết chỉ giết mổ cầm chừng, không thể khai thác hết công suất. Các thương lái vẫn ưu tiên chọn các lò mổ lậu để tiến hành giết mổ gia súc, gia cầm để đem đi tiêu thụ nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm vào địa bàn tỉnh và khu vực. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo các Sở, ngành tăng cường công tác quản lý về thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.