| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai khuyến khích thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp giết mổ tập trung

Thứ Hai 31/07/2023 , 21:30 (GMT+7)

Để quản lý tốt và chặt chẽ chuyện giết mổ động vật, gia cầm theo hướng bền vững, tỉnh Đồng Nai khuyến khích thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp giết mổ tập trung.

Thống kê cho thấy Đồng Nai vẫn còn 142 cơ sở giết mổ heo lậu, trải đều tại các huyện, thành phố của tình. Ảnh: Lê Bình.

Thống kê cho thấy Đồng Nai vẫn còn 142 cơ sở giết mổ heo lậu, trải đều tại các huyện, thành phố của tình. Ảnh: Lê Bình.

Vẫn còn 142 cơ sở giết mổ hoạt động trái phép

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại 142 cơ sở giết mổ động vật trái phép, tập trung chủ yếu ở ở các khu vực đông dân cư.

Cụ thể, tại huyện Trảng Bom có 27 cơ sở, huyện Nhơn Trạch có 22 cơ sở, huyện Tân Phú có 17 cơ sở, huyện Định Quán có 11 cơ sở, huyện Cẩm Mỹ có 3 cơ sở, huyện Thống Nhất có 4 cơ sở, huyện Vĩnh Cửu có 16 cơ sở và TP Biên Hòa có 42 cơ sở.

“Qua nhiều lần kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện rất nhiều heo tại các lò mổ lậu này. Trong các số này có cả con bệnh, con chết. Sản phẩm giết mổ sau đó được đem đi tiêu thụ tại các chợ tự phát. Do heo được mổ tại các lò mổ tự phát nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh cho người sử dụng là rất lớn. Chúng tôi đã phát hiện, xử phạt hàng trăm trường hợp nhưng sau đó các cơ sở này vẫn lén lút hoạt động", ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai thông tin.

Cũng theo lý giải của ông Giang, việc giết mổ heo không phép này mang lại lợi nhuận khá lớn, trong khi đó, mức phạt tối đa chỉ khoảng 8 triệu đồng/trường hợp vi phạm. Đó chính là lí do các chủ cơ sở bất chấp việc giết mổ trái phép, mặc dù đã bị xử lý nhiều lần.

“Chỉ một mình ngành thú y không làm nổi, cần có sự phối hợp giữa các ban ngành với nhau, để việc xử lý tốt hơn. Các địa phương phải chủ động xử lý việc giết mổ lậu này, phải làm quyết liệt”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai kiến nghị.

Dù bị các cơ quan liên ngành thường xuyên xử phạt nhưng với mức phạt thấp nên khó tạo được sự răn đe, các đối tượng dễ tái phạm. Ảnh: Lê Bình.

Dù bị các cơ quan liên ngành thường xuyên xử phạt nhưng với mức phạt thấp nên khó tạo được sự răn đe, các đối tượng dễ tái phạm. Ảnh: Lê Bình.

Phải thừa nhận, với việc thường xuyên phát hiện và kiểm tra các lò mổ trái phép, tình trạng giết mổ động vật lậu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được hạn chế và kéo giảm rất nhiều so với thời gian trước. Tuy nhiên, vì lợi nhuận quá lớn và chế tài đối với hành vi vi phạm trên lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đủ sức răn đe nên vẫn còn nhiều cơ sở lén lút thực hiện giết mổ động vật trái phép.

Trao đổi về vấn nạn này, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, việc quy hoạch mạng lưới lò mổ tập trung, xử lý giết mổ lậu rất quan trọng trong việc kiểm soát, quản lý về dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm…

“Chúng ta có rất nhiều quy định, điều luật để xử lý vấn đề này, với sự tham gia của nhiều cơ quan, ban, ngành. Sắp tới, UBND sẽ đề nghị các sở, ngành phải đồng bộ phối hợp, kiểm tra, xử lý toàn diện từ khâu kiểm soát, giết mổ đến vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ”, ông Võ Văn Phi cho hay.

Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai phối hợp cùng Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đồng Nai và Cục Quản lý thị trường đã thực hiện kiểm tra trên địa bàn tỉnh, phát hiện và xử lý 10 cơ sở giết mổ không phép. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là xử lý nhiệt chuyển đổi mục đích sử dụng 300kg thịt gà; 400kg thịt bò; 940kg thịt, đầu lòng heo với tổng xử phạt 70 triệu đồng.

Khó khăn lò giết mổ tập trung

Năm 2020, gia đình ông Nguyễn Viết Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Ngọc Việt Long Bình (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) bỏ ra gần 40 tỷ đồng để đầu tư lò mổ hiện đại trên diện tích 4,3ha, với 12 dây chuyền giết mổ tự động. Thế nhưng, nhà máy giết mổ của ông Dũng phải hoạt động cầm chừng do các thương lái đem heo ra các lò mổ lậu để xử lý.

Nhìn chung, nhiều lò mổ tập trung của Đồng Nai chưa phát huy được hiệu quả do vướng nhiều bất cập. Ảnh: Lê Bình.

Nhìn chung, nhiều lò mổ tập trung của Đồng Nai chưa phát huy được hiệu quả do vướng nhiều bất cập. Ảnh: Lê Bình.

Theo quy định hiện nay, heo khi đưa vào khu giết mổ sẽ phải chịu các phí về kiểm soát thú y, giết mổ và chi phí quản lý… Tổng mức phí mà thương lái phải bỏ ra là khoảng 100.000 đồng/con.

“Ở những lò mổ ngoài kia người ta đâu phải chịu nhiều phí như vậy nên thương lái họ cũng e dè lắm. Họ chê đắt nên không thuê chúng tôi giết mổ nữa”, ông Nguyễn Viết Dũng chia sẻ. Hiện ông Dũng chỉ còn giữ lại 2 dây chuyền giết mổ, mỗi ngày chỉ đạt 50 con heo.

Theo quy hoạch của tỉnh Đồng Nai về mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung định hướng đến năm 2030 sẽ gồm 58 cơ sở giết mổ. Điều này được các chuyên gia kinh tế đánh giá là quá nhiều so với các địa phương khác, dễ xảy ra tình trạng vượt nhu cầu.

Đơn cử, TP.HCM hiện có 13 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Chỉ tính riêng lượng heo, mỗi ngày các lò mổ này đã thực hiện giết mổ từ 5.000 - 6.000 con, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu. Số còn lại là chủ yếu nhập từ các tỉnh thành khác qua nguồn đông lạnh hoặc dạng thịt mảnh.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hiện trung bình mỗi ngày Đồng Nai cung cấp từ 7.000 - 8.000 con heo, riêng cung cấp cho TP HCM là khoảng 4.000 - 5.000 con. Để tránh xảy ra tình trạng các lò mổ tập trung “ế” nguồn heo để mổ, ngành Chăn nuôi thú y Đồng Nai cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả, phân bố hợp lý hơn.

Nếu không được phát hiện kịp thời thì số thịt heo mảnh này sẽ được bỏ mối tại các chợ tự phát, không dấu kiểm dịch, không chứng minh được nguồn gốc... Ảnh: Lê Bình.

Nếu không được phát hiện kịp thời thì số thịt heo mảnh này sẽ được bỏ mối tại các chợ tự phát, không dấu kiểm dịch, không chứng minh được nguồn gốc... Ảnh: Lê Bình.

Liên quan đến việc khó kiểm soát tình trạng giết mổ heo lậu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhiều ý kiến cho rằng, cần quan tâm đúng về câu chuyện cung - cầu đúng quy định. Do thị trường tiêu thụ của các cơ sở giết mổ lậu như các sạp thịt, nhà hàng... không được kiểm soát, truy vết nguồn gốc.

Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, một trong những biện pháp giải quyết là các điểm kinh doanh buộc phải có giấy phép kinh doanh thực phẩm, để hạn chế tình trạng giết mổ lậu.

Trước nay, nhiều cơ sở giết mổ đã tham gia đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo cung cấp vào thị trường TP.HCM là điều kiện thuận lợi để triển khai dự án Truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025.

“Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.160 cá nhân, tổ chức đã đăng ký tham gia dự án và được cấp tài khoản gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ, cơ sở giết mổ heo… Đặc biệt, hầu hết các cơ sở giết mổ heo được cấp phép trên địa bàn tỉnh đều đã đăng ký tham gia dự án Truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn”, ông Trần Lâm Sinh thông tin.

Theo ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai, để quản lý tốt và chặt chẽ chuyện giết mổ động vật, gia cầm theo hướng bền vững, tỉnh khuyến khích thành lập các hợp tác xã hoặc thành lập doanh nghiệp giết mổ tập trung.

Đồng Nai cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để chủ cơ sở tổ chức sản xuất kinh doanh, chủ cơ sở tự đầu tư cơ sở vật chất và hoạt động sản xuất kinh doanh giết mổ theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và không gây ô nhiễm môi trường.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.