| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai đưa giết mổ vào quy củ: [Bài 2] Cú hích cho giết mổ tập trung

Thứ Tư 29/11/2023 , 09:13 (GMT+7)

Đồng Nai cần có những hành động quyết liệt hơn để giúp các lò giết mổ tập trung hoạt động đúng công suất, tạo đà phát triển kinh tế cho tỉnh.

Các lò giết mổ tập trung tại Đồng Nai đang 'sống mòn' do không thể cạnh tranh được với lò giết mổ lậu. Ảnh: Lê Bình.

Các lò giết mổ tập trung tại Đồng Nai đang "sống mòn" do không thể cạnh tranh được với lò giết mổ lậu. Ảnh: Lê Bình.

Lao đao, đắp chiếu vì lò mổ lậu

Tại thủ phủ của chăn nuôi Đồng Nai, nhiều nhà đầu tư sau khi chi hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở giết mổ hiện đại đang đứng trước nguy cơ phá sản vì không thể cạnh tranh với lò giết mổ lậu.

Năm 2020, gia đình ông Nguyễn Viết Dũng (TP. Biên Hòa) đã đầu tư 40 tỉ đồng xây dựng khu giết mổ tập trung trên diện tích 4,3ha gồm khu xử lý nước thải, hai khu giết mổ cho gia súc, gia cầm với 15 dây chuyền giết mổ.

Tuy nhiên, khi đưa vào hoạt động, cơ sở này chỉ hoạt động hết công suất được đúng hai tuần do các thương lái mang heo đi mổ ở các lò lậu. Hiện, khu giết mổ tập trung này chỉ đủ heo để vận hành duy nhất 1 dây chuyền với 50 con mỗi tối.

“Họ than đưa heo vào đây tốn nhiều chi phí hơn, bị lực lượng thú y kiểm tra gắt gao hơn… so với các lò giết mổ ngoài kia. Với mỗi con heo như vậy, họ phải chịu các chi phí bao gồm phí giết mổ, thú y và quản lý… tổng cộng là 100.000 - 120.000 đồng/con”, ông Nguyễn Viết Dũng chia sẻ.

Điều đáng nói,hiện cơ sở giết mổ này đang nợ ngân hàng 20 tỉ đồng, mỗi tháng phải trả gần 500 triệu đồng. Tuy nhiên, hoạt động cầm chừng như thế này khiến ông Dũng không đủ doanh thu để trả nợ vay ngân hàng. Biện pháp duy nhất mà ông Dũng có thể làm lúc này là buộc phải tháo dỡ các trang thiết bị để bán trả nợ.

Tương tự, từ năm 2017, ông Nguyễn Bá Thành, chủ cơ sở giết mổ heo tại TP. Long Khánh cũng bỏ ra 20 tỷ đồng để đầu tư 6 dây chuyền giết mổ heo, gà bò. Thế nhưng, mỗi đêm cơ sở giết mổ tập trung này chỉ hoạt động trong vòng 30 phút để giết mổ 12 con heo.

“6 dây chuyền giết mổ thì hiện chúng tôi mới chỉ có đủ nguồn heo cho 1 dây chuyền duy nhất mà thôi. Các khu giết mổ bò, gà của nhà máy đều bị bỏ trống nhiều năm nay rồi, có sử dụng đến đâu”, ông Nguyễn Bá Thành cho hay.

Rất nhiều lò giết mổ hiện đại của Đồng Nai đang hoạt động cầm chừng, chỉ giết mổ gia súc và gia cầm bằng 1/10 so với thiết kế. Nguyên nhân là do không thể cạnh tranh với các lò giết mổ lậu. Ảnh: Lê Bình.

Rất nhiều lò giết mổ hiện đại của Đồng Nai đang hoạt động cầm chừng, chỉ giết mổ gia súc và gia cầm bằng 1/10 so với thiết kế. Nguyên nhân là do không thể cạnh tranh với các lò giết mổ lậu. Ảnh: Lê Bình.

Hiện, tỉnh Đồng Nai đang có 44 cơ sở giết mổ tập trung, 4 cơ sở đã ngừng hoạt động, 40 cơ sở giết mổ tập trung còn lại cũng đang hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân chính được xác định là do tình trạng giết mổ lậu vẫn còn hoành hành. Các thương lái vẫn ưu tiên chọn các lò mổ lậu để tiến hành giết mổ gia súc, gia cầm để đem đi tiêu thụ nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho hay, mặc dù UBND tỉnh và các ngành, các cấp đã có nhiều biện pháp mạnh tay xử lý nhưng nó vẫn tồn tại dai dẳng.

“Lợi nhuận quá cao từ việc giết mổ lậu mà việc xử phạt lại quá nhẹ nhàng cũng có thể là nguyên nhân khiến các đối tượng bất chấp thực hiện, coi thường pháp luật. Có lẽ, chúng ta nên thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, mạnh tay hơn nữa để việc xử lý các lò mổ lậu được triệt để hơn”. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai bày tỏ.

Có lẽ, đây chính là biện pháp để tạo ra sự công bằng cho các cơ sở đầu tư giết mổ bài bản, không để các doanh nghiệp giết mổ tập trung đến nguy cơ phá sản. Đồng thời, việc còn tồn tại những cơ sở giết mổ lậu thì việc kiểm soát được chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng có nguy cơ bị phá vỡ.

Mới đây, UBND Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 254/KH-UBND về việc kiểm tra, xử lý tình trạng giết mổ lậu và vận chuyển, kinh doanh sản phẩm chăn nuôi không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Đồng Nai sẽ xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm vào địa bàn tỉnh và khu vực. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo các Sở, ngành tăng cường công tác quản lý về thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Dọn tổ đón "đại bàng"

Ngành nông nghiệp Đồng Nai cũng đang xây dựng nhiều chương trình thực tiễn nhằm hiện thực hóa mạng lưới cơ sở giết mổ động vật đạt chuẩn, đúng kỳ vọng và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, đơn vị đang rà soát, điều chỉnh, bổ sung địa điểm xây dựng các cơ sở giết mổ trên địa bàn toàn tỉnh nhằm đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là tham mưu cho Sở NN-PTNT tỉnh trình lên UBND Đồng Nai các kế hoạch nhằm xóa bỏ các điểm giết mổ không phép hoặc không phù hợp quy định. Định hướng của ngành chăn nuôi Đồng Nai là dọn tổ đón "đại bàng”, tạo điều kiện, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giết mổ trên địa bàn.

“Đồng Nai có rất nhiều lợi thế như vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn lực, đất đai, thành tựu phát triển của ngành chăn nuôi, giết mổ an toàn thực phẩm... Do đó, chúng tôi sẽ tập trung ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào xây dựng cơ sở giết mổ tập trung. Không chỉ phải đảm bảo năng suất mà các cơ sở này cũng phải đảm bảo an toàn thực phẩm và xử lý tốt chất thải từ cơ sở giết mổ, bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Trường Giang chia sẻ.

Đồng Nai đang khuyến khích thành lập các HTX hoặc thành lập doanh nghiệp giết mổ tập trung. Theo đó, Đồng Nai sẽ ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung hoạt động theo chuỗi.

Đồng Nai khuyến khích thành lập các doanh nghiệp hoặc HTX giết mổ heo để hoạt động theo chuỗi và bền vững hơn. Ảnh: Lê Bình.

Đồng Nai khuyến khích thành lập các doanh nghiệp hoặc HTX giết mổ heo để hoạt động theo chuỗi và bền vững hơn. Ảnh: Lê Bình.

“Chúng tôi vẫn khuyến khích các doanh nghiệp phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa, phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng Nai luôn chào đón những doanh nghiệp FDI tham gia vào chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi cho Đồng Nai, góp phần tạo giá trị kinh tế”, ông Võ Văn Phi thông tin.

Để tạo động lực cho phát triển ngành chăn nuôi bền vững, Sở NN-PTNT Đồng Nai cũng đang xây dựng kế hoạch gắn liền cơ sở giết mổ tập trung lồng ghép với các chương trình, đề án liên quan đến liên kết sản xuất chăn nuôi, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, chỉ tính riêng thịt heo quy mô chế biến của nước ta mới chỉ ở mức 1,3 triệu tấn/năm, chiếm 20-22% sản lượng heo thịt xuất chuồng. Muốn mở rộng thị trường xuất khẩu thịt, cần phải phát triển mạnh các nhà máy chế biến, sản phẩm phải bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế.

Việc thu hút các lò giết mổ hiện đại, pha lóc tập trung còn giúp Đồng Nai có nhiều hướng đi mới, triển vọng hơn. Ảnh: Lê Bình.

Việc thu hút các lò giết mổ hiện đại, pha lóc tập trung còn giúp Đồng Nai có nhiều hướng đi mới, triển vọng hơn. Ảnh: Lê Bình.

Mặc dù Đồng Nai tiên phong về chăn nuôi trang trại có áp dụng công nghệ cao, tổng đàn heo của tỉnh khoảng 2,5 triệu con và 26 triệu con gà, thế nhưng, việc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi sang các thị trường khó tính vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng sẵn có. Đây cũng là thách thức cũng là tiềm năng mà ngành chăn nuôi Đồng Nai cần phải hướng tới, nâng tầm giá trị sản phẩm chăn nuôi.

Do đó, định hướng của UBND tỉnh Đồng Nai sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi sang các thị trường khó tính. Để làm được điều này, ngoài việc chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đạt chất lượng kiểm định thì công tác giết mổ, chế biến và đóng gói cũng phải được đảm bảo quy định và bài bản.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.