Thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa. Xuất khẩu thủy sản khả quan trong tháng đầu năm. Đồng Tháp đặt nhiều mục tiêu cho vùng lúa chất lượng cao. Giá tiêu tăng mạnh sau Tết.
THÍ ĐIỂM NUÔI BIỂN CÔNG NGHỆ CAO TẠI KHÁNH HÒA
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mới đây đã ký Quyết định phê duyệt Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa. Đề án đặt mục tiêu chung là phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Khánh Hòa theo hướng: Góp phần tăng năng suất, giá trị ngành nuôi trồng thủy sản và nâng cao thu nhập của người dân nuôi biển và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan, hướng tới xuất khẩu thủy sản với tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Bảo vệ môi trường biển, hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, từng bước hình thành vùng nuôi biển từ 3 đến 6 hải lý, vừa đảm bảo phát triển kinh tế biển, vừa giảm áp lực nuôi biển ven bờ. Bảo đảm giảm thiểu xung đột về không gian phát triển giữa các ngành kinh tế tại các khu vực nuôi biển. Thời gian thí điểm nuôi biển công nghệ cao đến hết năm 2029.
XUẤT KHẨU THỦY SẢN KHẢ QUAN TRONG THÁNG ĐẦU NĂM
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 1/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 774,3 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2024, đây là một kết quả khả quan. VASEP cho biết, tôm tiếp tục là mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong tháng 1/2025, với giá trị xuất khẩu đạt 273,349 triệu USD, chiếm 35,3% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Trong năm 2025, thị trường thủy sản toàn cầu dự báo sẽ có nhiều biến động, với các yếu tố như thay đổi thói quen tiêu dùng, chính sách thuế quan và biến động cung cầu ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Đặc biệt, sự giảm sút trong nhu cầu tại các thị trường lớn như Trung Quốc và Mỹ sẽ đặt ra thách thức lớn đối với các sản phẩm như tôm, cá tra và cá ngừ. Tuy nhiên, với việc gia tăng nhu cầu từ các thị trường ASEAN và các chính sách thuế quan hỗ trợ từ các quốc gia lớn, ngành thủy sản Việt Nam vẫn có thể duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025.
ĐỒNG THÁP ĐẶT NHIỀU MỤC TIÊU CHO VÙNG LÚA CHẤT LƯỢNG CAO
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa đưa ra mục tiêu phấn đấu nhân rộng diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao đạt ít nhất 50.000ha trong năm 2025 nằm trong “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Về canh tác bền vững, tập trung giải pháp giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80 - 100kg/ha. Giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững và được cấp mã số vùng trồng. Kế hoạch cũng đặt ra các mục tiêu về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, phấn đấu tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%, 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng.
Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá tiêu nội địa tăng liên tiếp trong nhiều ngày. Hôm nay, 9/2, thị trường tiêu trong nước tiếp tục sôi động, tiếp tục tăng mạnh so với phiên giao dịch trước đó, mức tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg tuỳ từng địa phương; giá tiêu trong nước đã áp sát mức 160.000 đồng/kg. Hiện giá tiêu thu mua tại các địa bàn trọng điểm trung bình 157.400 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay ở các tỉnh Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đắk Lắk cùng tăng thêm 2.000 đồng/kg, được thu mua lần lượt với giá 156.000 đồng, 157.000 đồng và 158.000 đồng/kg. Giá tiêu ở Bình Phước tiếp tục tăng thêm 1.000 đồng/kg, hiện giá thu mua ở địa phương này là 157.000 đồng/kg. Riêng gia tiêu ở Đắk Nông tiếp tục tăng thêm 2.000 đồng/kg và hiện giá thu mua tại đây cao nhất cả nước với mức 159.000 đồng/kg.
GIÁ TIÊU TẠI MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG TRỌNG ĐIỂM NGÀY 9/2