Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo Sở NN-PTNT tăng cường công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn, để giảm thiểu rủi ro sản xuất nông nghiệp trong mùa khô năm nay.
Câu chuyện vượt nắng, thắng hạn: Nhìn từ Sóc Trăng
Huyện Kế Sách là địa phương có diện tích đất nông nghiệp hơn 27.300 ha, trong đó diện tích cây ăn trái là hơn 18.000 ha, đất trồng lúa 9.400 ha. Từ đầu mùa khô 2024 đến nay trên địa bàn huyện đã xuất hiện 4 đợt mặn xâm nhập với độ mặn cao nhất tại Vàm Nhơn Mỹ 6,7‰, tại thị trấn Kế Sách 5,1‰, với độ mặn này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Nhờ thực hiện tốt công tác chuẩn bị và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nên chưa phát sinh thiệt hại do thiếu nước, xâm nhập mặn đối với lúa và cây ăn trái.
Phát biểu Ông VŨ BÁ QUANG – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng: “Dưới sự chỉ đạo của UBND huyện chúng tôi đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, do vậy tới thời điểm này chưa có thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp được bảo vệ an toàn”.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, hiện nay do giá lúa tăng cao, người dân ở các huyện Long Phú, Trần Đề vẫn tiếp tục sản xuất vụ 3 không theo khuyến cáo của ngành chức năng, nên nhiều diện tích lúa có nguy cơ rủi ro cao về thiếu nước, ngộ độc phèn. Tại huyện Long Phú, người dân đã xuống giống vụ đông xuân muộn với tổng diện tích khoảng 6.000 ha. Hiện nay, có khoảng 1.000 ha lúa có nguy cơ giảm năng suất do thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn. Thời gian qua ngành nông nghiệp đang triển khai quyết liệt các giải pháp để giải quyết nguồn nước ngọt cung cấp cho sản xuất và ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn.
Ông TRẦN VĨNH NGHI – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng: “Chỉ đạo cho các cán bộ, nhân viên tăng cường đo độ mặn để kịp thời thông báo cho bà con khi có nước ngọt thì tranh thủ lấy nước ngọt vào ruộng và tích trữ”
Ông DƯƠNG THANH TÙNG – Thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng: “Chính quyền địa phương rất quan tâm, tranh thủ tối đa nguồn nước để lấy vào cho bà con đảm bảo tưới, tiêu. Đến thười điểm này bà con thu hoạch khoảng 10ha, năng suất thì cũng rất tốt….”
Hiện tại, các cống đầu nguồn ở tỉnh Sóc Trăng độ mặn đang rất cao, ngành Nông nghiệp cử cán bộ trực xuyên suốt tại các cống để giám sát độ mặn, khi thích hợp sẽ lấy nước vào. Bên cạnh đó, công tác thủy lợi nội đồng được thực hiện từ đầu năm, đảm bảo phòng, chống hạn, mặn hiệu quả.
Ông PHẠM TẤN ĐẠO - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng: “Thủy lợi chúng tôi đã duy tu bảo dưỡng, nạo vét kênh, đảm bảo tích nước, trữ nước để chống lại hạn mặn trong thời gian này….”
Vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đa có buổi kiểm tra các địa phương đang bị hảnh hưởng bởi hạn, mặn. Qua buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quan trắc độ mặn; dự báo, cảnh báo tình hình khô hạn, xâm nhập mặn và thường xuyên cập nhật, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó.
Ông TRẦN VĂN LÂU- Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: “Thời điểm nào thích hợp là mở cống hoặc bơm vào. Khi làm như vậy là mình lên nhóm zalo thông báo cho bà con liền để cho bà con chủ động chứ không thôi nước vô tới đó là đóng lại, bữa sau bà con mới lấy vô thì nó hết nước liền. Vì vậy mình phải phối hợp chặt chẽ giữa mình và người dân nữa.”
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng còn yêu cầu ngành nông nghiệp phải vận hành hợp lý, hiệu quả các công trình thủy lợi, cống để lấy nước, tích trữ nước phục vụ cho sản xuất; tổ chức kiểm tra, nghiên cứu, nạo vét các tuyến kênh thủy lợi để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt, có phương án, giải pháp tăng cường cung cấp nước sạch cho sinh hoạt khu vực nông thôn vào những tháng mùa khô.