Cục Chăn nuôi đang nỗ lực và quyết tâm phát triển ngành chăn nuôi bền vững, với mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm, môi trường và hướng đến xuất khẩu.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi là gần 6%, đạt 23,7 tỷ đô la, chiếm 27,6% tỷ trọng ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn do dịch bệnh, thị trường tiêu thụ và giá cả. Vì vậy, ngành chăn nuôi đang tìm giải pháp xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, đặc biệt là kiểm soát và sử dụng chất cấm để sản xuất sản phẩm an toàn và hướng đến xuất khẩu.
Mới đây tại tỉnh Bình Thuận, Cục Chăn nuôi tổ chức Hội nghị triển khai pháp luật về an toàn thực phẩm, an toàn sinh học trong chăn nuôi với sự tham dự của đại diện Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Hiệp hội chăn nuôi của 32 tỉnh thành phía Nam.
Chương trình nhằm phổ biến kịp thời, đầy đủ những quy định pháp luật mới của ngành chăn nuôi, giám sát chất cấm trong chăn nuôi. Đồng thời giới thiệu quy trình chứng nhận phù hợp quy chuẩn nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng. Trước đó, Hội nghị cũng được tổ chức tại Ninh Bình, với sự tham dự của 29 tỉnh, thành; hàng chục doanh nghiệp, người chăn nuôi khu vực phía Bắc.
Ông PHẠM KIM ĐĂNG - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Đảm bảo an toàn thực phẩm là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển chăn nuôi bền vững. Chính vì vậy, công việc này sẽ được giám sát thường xuyên và tăng cường hơn trong những năm sắp tới. Và điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì sản xuất chăn nuôi thì phải sản xuất là những sản phẩm sạch. Chính vì vậy, chúng ta phải làm tốt để xây dựng thương hiệu, đó cũng là cơ sở đầu tiên để chúng ta đàm phán với các thị trường xuất khẩu.
Một nguyên nhân khiến sản phẩm chăn nuôi chưa đáp ứng yêu cầu an toàn dịch bệnh là nhiều hộ chăn nuôi còn sử dụng chất cấm cho vật nuôi và không áp dụng công nghệ phù hợp để xử lý chất thải ra môi trường. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất ngành chăn nuôi trong nước. Do đó, thời gian tới đây cơ quan chức năng sẽ phải mạnh tay trong việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Về phía người chăn nuôi, cũng cần phải lựa chọn giải pháp xử lý môi trường phù hợp, đặc biệt là sử dụng các giải pháp sinh học để xử lý chất thải.
Ông Phan Trọng Vĩnh - Phó TGĐ Công ty Cổ phần Tương lai Thông Minh Nhật Việt: Nếu như vật nuôi sống trong một môi trường trong lành, thì sức đề kháng của vật nuôi sẽ được cải thiện. Từ đó, chống chọi với dịch bệnh một cách tốt hơn. Dịch bệnh có ở khắp nơi mà tại sao cá thể này bị bệnh mà cá thể khác lại không bị bệnh thì chúng tôi nhìn nhận là do sức đề kháng. Do đó chúng tôi thông qua việc xử lý chất thải tạo ra được môi trường chăn nuôi trong lành. Góp phần tăng sức đề kháng cho vật nuôi.
Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của Việt Nam. Vừa qua, UBND đã phê duyệt danh sách hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi phải di dời hoặc ngưng chăn nuôi để tránh gây ô nhiễm môi trường. Quyết tâm này của UBND tỉnh Đồng Nai không chỉ giúp phát triển kinh tế gắn liền với môi trường mà còn xây dựng ngành chăn nuôi một cách bền vững.
Ông NGUYỄN TRÍ CÔNG - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai: Đồng Nai đang đưa các các quy định cho những người chăn nuôi ở Đồng Nai. Thứ nhất là xây dựng những vùng an toàn chăn nuôi, an toàn sinh học. Thứ 2 là hướng tới sản xuất thực phẩm an toàn. Tôi nghĩ đây là cái hướng mà làm thế nào chăn nuôi kết hợp với bảo vệ môi trường. Đồng thời tạo công ăn việc làm, sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng.
Thời gian tới, Cục Chăn nuôi sẽ kết hợp với các địa phương trên cả nước đẩy nhanh tiến độ xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đồng thời kết hợp đàm phán với các Quốc gia nhập khẩu để xây dựng chuỗi xuất khẩu. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu nhất để sớm thúc đẩy chế biến, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.