| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu thịt gà, lợn sữa và sữa tăng trưởng mạnh

Thứ Năm 14/09/2023 , 13:40 (GMT+7)

Trong bối cảnh xuất khẩu nhiều ngành hàng chủ lực giảm mạnh, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi như thịt gà, lợn sữa và sữa lại tăng trưởng tốt.

Thịt gà chế biến tại tổ hợp nhà máy CPV Food của C.P. Việt Nam đặt tại Bình Phước. Ảnh: Sơn Trang.

Thịt gà chế biến tại tổ hợp nhà máy CPV Food của C.P. Việt Nam đặt tại Bình Phước. Ảnh: Sơn Trang.

Cuối tháng 10/2022, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam làm lễ xuất khẩu lô thịt gà chế biến đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Từ đó đến khi kết thúc năm 2022, đã có 34 tấn thịt gà được C.P. Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.

Tính chung trong cả năm ngoái, C.P. Việt Nam đã xuất khẩu được 694 tấn thịt gà chế biến. Trong đó, chủ yếu xuất sang Hong Kong với 637 tấn. Ngoài 34 tấn xuất khẩu sang Nhật Bản, 24 tấn còn lại được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á là Campuchia, Lào và Myanmar.

Trong năm nay, xuất khẩu thịt gà chế biến của C.P. Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng, nhất là xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Ông Chamnan Wangakkarangkul, Phó Tổng Giám đốc điều hành, Phụ trách ngành thực phẩm C.P. Việt Nam cho biết, trong 7 tháng đầu năm nay, công ty đã xuất khẩu được 767 tấn thịt gà chế biến, trong đó, 437 tấn được xuất sang Nhật Bản, 324 tấn xuất sang Hong Kong và 6 tấn đi Campuchia, Lào và Myanmar. Số liệu này cho thấy thịt gà chế biến của C.P. Việt Nam đang từng bước thâm nhập ngày càng nhiều hơn vào Nhật Bản, một thị trường rất khó tính.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm tăng trưởng tới 3 con số, đạt trên 3.000 tấn, trị giá 8 triệu USD, tăng 335% về lượng và tăng 439% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm tăng trưởng mạnh đã góp phần quan trọng giúp cho xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt nói chung tăng trưởng tốt từ đầu năm đến nay. 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 12.000 tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 57 triệu USD, tăng 20% về lượng và tăng 37% về trị giá so với cùng kỳ 2022.

Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Hong Kong, Bỉ, Campuchia, Trung Quốc, Lào, Malaysia, Papua New Guinea, Pháp...

Trong đó, 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hokong hơn 5.000 tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 34 triệu USD, tăng 30% về lượng và tăng 61% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hong Kong chủ yếu là thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh, thịt lợn nguyên con đông lạnh...

Dây chuyền giết mổ gia cầm hiện đại trong Nhà máy giết mổ của Japfa Comfeed Việt Nam tại Bình Phước. Ảnh: Sơn Trang.

Dây chuyền giết mổ gia cầm hiện đại trong Nhà máy giết mổ của Japfa Comfeed Việt Nam tại Bình Phước. Ảnh: Sơn Trang.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các chủng loại như thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh, thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác (thịt tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh); thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm …

Trong đó, thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là lợn sữa và thịt lợn nguyên con đông lạnh) được xuất khẩu nhiều nhất với 6.000 tấn, trị giá 35 triệu USD, giảm 2,4% về lượng, nhưng tăng 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường như Hong Kong, Lào, Malaysia …

Bên cạnh thịt và các sản phẩm từ thịt, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa cũng tăng trưởng tốt. Theo ước tính của Bộ NN-PTNT, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt đạt 91 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ.

Với sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu thịt, sữa, tính chung trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của cả nước ước đạt 325 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.