| Hotline: 0983.970.780

Giống gia cầm lậu khuynh đảo ngành chăn nuôi

Cung đường gia cầm lậu xuyên biên giới

Thứ Sáu 15/09/2023 , 06:00 (GMT+7)

Quá trình điều tra ở biên giới phía Bắc, phóng viên 'vẽ' bản đồ cung đường vận chuyển gà, vịt giống từ Trung Quốc vào Việt Nam cả trên đất liền và trên biển.

Những mảnh giỏ nhựa chứa gà, bìa các tông lót thùng gà giống... vứt ngổn ngang nơi bìa rừng. Đây là một trong những điểm giao hàng của dân 'cửu đồi' gánh gà giống từ hàng rào biên xuống. Ảnh: Nhóm PVĐT.

Những mảnh giỏ nhựa chứa gà, bìa các tông lót thùng gà giống... vứt ngổn ngang nơi bìa rừng. Đây là một trong những điểm giao hàng của dân "cửu đồi" gánh gà giống từ hàng rào biên xuống. Ảnh: Nhóm PVĐT.

Chạm mặt đầu nậu ở vùng biên

Bài liên quan

Qua sự dẫn dắt, giới thiệu, chúng tôi gặp được Trần P. - một trong số các đầu nậu gà, vịt giống từ Trung Quốc số lượng lớn tại khu vực gần cửa khẩu Chi Ma. P. kể, có những thời điểm, trong một đêm gã vận chuyển lậu 11 vạn quả trứng gia cầm lậu cho một cơ sở đặt hàng dưới xuôi lấy về ấp nở thành gà, vịt giống. Đối với gà chíp lậu, mỗi đêm P. đi vài vạn con trót lọt.

P. khẳng định, không phải ai cũng có thể làm được mặt hàng này, và không phải mối nào các chủ gà bên Trung Quốc cũng sẵn sàng hợp tác, cần có mối quan hệ làm ăn từ trước. Ngoài ra, cũng phải thiết lập được đường dây hai đầu (cả phía Việt Nam và phía Trung Quốc) mới có thể đưa hàng từ rào biên vào trong nội địa. Tiếp đó, phải thiết lập được đường dây để được “cho qua" suốt dọc đường từ Lạng Sơn tới các đại lý đặt hàng dưới xuôi.

P. khẳng định, cần loại gà giống gì cũng đáp ứng được, tuy nhiên, “thời điểm hiện tại khá căng, việc đi lại khó khăn hơn do bên phía Trung Quốc đang thắt chặt kiểm soát, phía Việt Nam cũng phải "đợi giờ”. Các “thầy” cho đi giờ nào thì được đi giờ ấy" - lời của P. Các cơ sở sản xuất gà giống bên Trung Quốc tập trung chủ yếu ở Thành phố Nam Ninh, cách cửa khẩu Chi Ma 250km. Bên phía Trung Quốc, đó là cửa khẩu Ái Điềm.

Một trại gà giống bên Trung Quốc, hình ảnh do P. cung cấp cho chúng tôi để xem 'hàng' trước khi nhập lậu.

Một trại gà giống bên Trung Quốc, hình ảnh do P. cung cấp cho chúng tôi để xem "hàng" trước khi nhập lậu.

Năm nay, giá cước vận chuyển 1 con là 4k3 (bốn ngàn ba trăm đồng). Vịt bơ giống bên Trung Quốc 2,5 tệ/con (tương đương khoảng hơn 8.000 đồng/con), gà K8, K7 khoảng hơn 3 đồng (3 tệ). Gà chíp, gà Phượng hoàng 1,8 - 2,4 tệ, tùy hôm" - P. tính toán.

Dừng lại một lát, P. lấy điện thoại gọi cho đầu mối cung cấp gà, vịt giống bên Trung Quốc để hỏi thông tin hàng hóa, giá cả. Hai bên trao đổi bằng tiếng Quan Hỏa, qua điện thoại mở loa ngoài, nghe rõ tiếng gà con chiếp chiếp ầm ĩ, vì số lượng quá lớn hàng vạn con, âm thanh gà con cộng dồn trở thành nên một thứ tạp âm chói tai.

Theo giới buôn lậu ở Lạng Sơn, đây là cung đường vận chuyển gà lậu qua thôn Pò Qua (xã Tú Đoạn để lên Tú Mịch, theo đường Na Dương về huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang).

Theo giới buôn lậu ở Lạng Sơn, đây là cung đường vận chuyển gà lậu qua thôn Pò Qua (xã Tú Đoạn để lên Tú Mịch, theo đường Na Dương về huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang).

"Giá cả thay đổi theo ngày" - P. cho biết nội dung vừa được chủ trại gà giống bên Nam Ninh xác nhận và đặt thẳng vấn đề: Anh đi số lượng bao nhiêu, thời điểm nhận hàng... để em có kế hoạch. Nhưng tối thiểu cũng phải 1 vạn con/lượt em mới nhận được, vì chi phí cao lắm. Tiền thuê cửu vạn gánh gà, chi phí lót đường, chi phí gà chết trên đường vận chuyển, thậm chí dù đã "làm luật" nhưng đột xuất có thay đổi, có đoàn kiểm tra về đột xuất, thế là án binh bất động, gà để bên kia biên giới, cách tường rào sắt bên này bên kia chỉ trong gang tấc mà không lấy về được, tỷ lệ chết rất cao.

P. gửi cho chúng tôi xem hình ảnh những thùng đựng gà con được 'cửu đồi' bên phía Trung Quốc gánh tập kết đến cột mốc lẻ, nhưng chưa được giờ giao hàng. Gà con nhảy ra khỏi lồng, chạy tung tăng khắp đường biên.

P. gửi cho chúng tôi xem hình ảnh những thùng đựng gà con được "cửu đồi" bên phía Trung Quốc gánh tập kết đến cột mốc lẻ, nhưng chưa được giờ giao hàng. Gà con nhảy ra khỏi lồng, chạy tung tăng khắp đường biên.

"Tốt nhất anh lấy gà tại Bắc Ninh, Bắc Giang hoặc Hải Dương, toàn bộ các đầu mối dưới đó cũng do em cấp gà cho. Giá cao hơn đương nhiên phải chấp nhận, vì anh được "nhặt" gà khỏe, không chết dọc đường", P. nói.

Gia cầm lậu gánh 4.000 - 5.000 cước phí từ biên giới về Bắc Giang

Theo lời P., anh ta cung cấp hàng tận nơi cho các chủ "đầu nậu" ở Hải Dương, nơi có cơ sở cung cấp gà giống, gia cầm có tiếng, được mệnh danh là "vua gà Hải Dương". "Tùy anh cứ đi khảo giá, tìm hiểu. Nếu lấy hàng chỗ em, em nhận bao ra khỏi đất Lạng Sơn, nhận hàng ở Bắc Giang, Hải Dương chỗ nào tùy anh chọn".

Gà giống nhập lậu được đóng trong các thùng nhựa đen, dưới đáy và trên mặt có lót bìa các tông đục lỗ tròn nhỏ cỡ hạt nhãn để lấy không khí cho gà thở. Một thùng (to) đựng được trên 300 con gà giống. 1.000 con gà giống chia đều trong 3 thùng, 1 vạn con tương đương 30 thùng, cứ thế nhân lên. Kích thước mỗi thùng đựng cao khoảng 30cm, rộng 60, dài 80cm.

Khi “hàng” được đưa từ Trung Quốc sang sát hàng rào biên, sẽ tập kết ở các cột mốc lẻ (cột mốc lẻ là cột mốc đánh số của mỗi bên, sẽ chỉ có lực lượng chức năng của bên đặt mốc chốt giữ. Điều này để phân biệt với cột mốc đôi – có lực lượng của cả hai bên cùng canh giữ, sẽ khó khăn cho việc đưa – nhận hàng lậu qua rào – PV).

Cầu Long Đầu (xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, cách cửa khẩu Chi Ma 3km) - một trong những điểm tập kết gà lậu sau khi gà được vận chuyển bằng đường mòn qua biên giới. Ảnh: Nhóm PVĐT.

Cầu Long Đầu (xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, cách cửa khẩu Chi Ma 3km) - một trong những điểm tập kết gà lậu sau khi gà được vận chuyển bằng đường mòn qua biên giới. Ảnh: Nhóm PVĐT.

Từ điểm giao nhận bên hàng rào biên, “hàng” được chia cho đội cửu vạn gánh các thùng gà giống xuyên qua các đường mòn len lỏi qua những đồi thông bạt ngàn, cỏ dại mọc cao lút đầu người. Do các thùng gà con được đóng khá gọn gàng, trọng lượng cũng không quá nặng, một cửu có thể gánh 10 thùng hàng, tương đương cả ngàn gà giống.

Mặt trận "nóng" trên vùng biển Móng Cái

Tại Móng Cái - Quảng Ninh, chúng tôi “bắt mối” được với chị Hạnh (đã đổi tên), từng có thời gian buôn gia cầm giống từ Trung Quốc về Việt Nam. Chị Hạnh cho biết, buôn lậu gia cầm nhiều nguy hiểm, rủi ro nhưng lợi nhuận khá cao. Gà giống Trung Quốc có giá thành thấp hơn nhiều so với gà giống Việt Nam do ở Trung Quốc họ nuôi được các loại gà đẻ trứng với chi phí thấp.

Về đường đi của gia cầm lậu, một cán bộ Hải Quan TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) bật mí, gà con, vịt con và trứng gia cầm nhập lậu chủ yếu bắt nguồn từ các khu vực Trúc Sơn, Vạn Vỹ - thành phố Phòng Thành hoặc xa hơn nữa là Bắc Hải thuộc khu tự trị dân tộc Choang (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).

Lực lượng Biên phòng bắt giữ một xuồng chở trứng vịt lộn và 15.000 con gà không rõ nguồn gốc xuất xứ trên vùng biển Móng Cái.

Lực lượng Biên phòng bắt giữ một xuồng chở trứng vịt lộn và 15.000 con gà không rõ nguồn gốc xuất xứ trên vùng biển Móng Cái.

Phía bên Phòng Thành có rất nhiều cảng nhỏ thuận tiện cho tàu bè ra vào. Ba năm trước, Trung Quốc đã xây dựng hàng rào chắn dọc tuyến biên giới với Việt Nam nên rất khó để vận chuyển gia cầm lậu qua các đường mòn lối mở, do đó, dân buôn sẽ đi đường biển.

Từ Trung Quốc, thường là vào chập tối cho đến đêm, gia cầm 1-3 ngày tuổi được bốc vào các thùng nhựa rồi chuyển lên xuồng cao tốc 800 đến 1.000 mã lực, tương đương 70-80 km/giờ, chạy như bay men theo đường phân định trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc, khu vực cách đảo Trần huyện Cô Tô chừng 4-5 hải lý.

Khi đã lọt vào được Việt Nam, xuồng cập bến tại một số cửa vào đất liền ở Quảng Ninh khu TP Móng Cái, cửa đài huyện Hải Hà, cửa tiểu Đầm Hà hoặc Tiên Yên, Vân Đồn,… sau đó tiếp tục vận chuyển gia cầm bằng đường bộ tỏa đi các tỉnh, thành. Trường hợp “nghe ngóng” được trên các tuyến đường bộ bị siết chặt thì dân buôn có thể cho xuồng chạy một lèo về tận Quảng Yên, Hải Phòng.

Mặc dù không lạ gì “đường đi nước bước” của dân buôn lậu gia cầm nhưng vị Hải Quan Móng Cái thừa nhận công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và bắt giữ rất khó khăn do các đối tượng buôn lậu vận chuyển bằng đường biển vào đêm tối, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội càng lúc càng tinh vi và phức tạp.

“Xuồng chở gia cầm lậu thì thường từ 800 đến 1.000 mã lực còn xuồng tuần tra kiểm soát của các lực lượng Việt Nam như Biên Phòng, Hải Quan, Cảnh sát biển... chỉ tầm 400-500 mã lực, tức công suất bằng nửa các xuồng chở hàng lậu. Ngoài biển thì mênh mông, đêm tối mịt mù, có phát hiện ra xuồng lậu đuổi theo cũng khó bắt được”, vị cán bộ Hải Quan Móng Cái giải thích.

Sóng gió đảo Trần

Đảo Trần (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô) là hòn đảo tiền tiêu trên vịnh Bắc Bộ, có diện tích 4,5km2 và cách đường phân định vùng biển với Trung Quốc chỉ 4 - 5 km nên khu vực này tiềm ẩn nguy cơ cao về buôn lậu gia cầm.

Một người dân ở đảo Trần gửi những lồng gà (ngoại hình giống với gà chíp Tàu) về đất liền thông qua xuồng cao tốc. Ảnh: Nhóm PVĐT.

Một người dân ở đảo Trần gửi những lồng gà (ngoại hình giống với gà chíp Tàu) về đất liền thông qua xuồng cao tốc. Ảnh: Nhóm PVĐT.

“Cũng vì địa bàn phức tạp nên quanh đảo Trần có nhiều lực lượng cùng tham gia phòng chống buôn lậu. Đầu tiên là Đồn Biên phòng đảo Trần, kiểm soát trên biển thì có thêm Hải đội Biên phòng, Hải đoàn của Tư lệnh Biên phòng, Hải đội số 2 của Hải quan Vạn Gia, Hải đội của Cục điều tra phòng chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan và Cảnh sát biển”, vị cán bộ hải quan Móng Cái cho hay.

Trung tá Bùi Anh Đức, Đồn trưởng Biên phòng đảo Trần giải thích rằng: “Những tàu hàng lớn đều phải đăng ký mẫu, kích cỡ, trọng tải, màu sắc... theo quy chuẩn quốc tế. Do đó, khi hệ thống radar trên đảo quét sẽ xác định được số hiệu của các tàu. Tuy nhiên, không phải tàu thuyền nào cũng nhận biết được số hiệu. Đối với những tàu thuyền nhỏ của ngư dân hoặc của dân buôn lậu thì lại phải quan sát bằng mắt thường và bằng các phương tiện khác...”.

Những con gà giống lênh đênh trên biển từ đảo Trần vào đất liền Móng Cái.

Những con gà giống lênh đênh trên biển từ đảo Trần vào đất liền Móng Cái.

Họ có rất nhiều thủ đoạn để “qua mặt” lực lượng chức năng. Khi bị phát hiện, các đối tượng thường bỏ chạy, thậm chí đã có những hành động chống đối. Giữa biển trời bao la, để đối phó với những đối tượng phạm tội manh động là rất gian nan, nguy hiểm.

Trong khi đó kinh phí cấp cho biên phòng eo hẹp, để tuần tra thường xuyên trên biển thì chi phí xăng dầu để chạy tàu rất tốn kém, xuồng 500 mã lực, ga mạnh một cái có khi đã hết nửa lít xăng.

Quá trình từ đảo Trần về TP Móng Cái, ngay trên chiếc xuồng cao tốc chúng tôi đi bắt gặp người dân gửi 2 lồng gà giống chíp mận của Trung Quốc, loại 1-2 ngày tuổi, mỗi lồng tầm trăm con vào đất liền. Úp tạm tấm bìa cát tông lên hai thùng gà con cho khỏi gió, anh D. lái xuồng bắt đầu nổ máy, mũi xuồng rẽ sóng nhằm hướng Vĩnh Thực. Chúng tôi xuống ở bến Hèn - Vĩnh Thực còn anh D. lái xuồng rẽ sang hướng khác để chuyển gà cho khách về đất liền.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Thủy lợi - nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Đồng Tháp Các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm với năng suất tăng 15% so với trước đây.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.