Để phát triển chăn nuôi bền vững, tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo người dân áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học nhằm kiểm soát tất cả các khâu từ giống, thức ăn, chuồng trại, vệ sinh thú y để phòng chống bệnh dịch lây nhiễm với gia súc, gia cầm.
Chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học phòng dịch bệnh trên vật nuôi
Để phát triển chăn nuôi bền vững, tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo người dân áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học nhằm kiểm soát tất cả các khâu từ giống, thức ăn, chuồng trại, vệ sinh thú y để phòng chống bệnh dịch lây nhiễm với gia súc gia cầm.
Theo số liệu thống kê của UBND thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của địa phương đạt khoảng 850 tỷ đồng. Trong đó, sản xuất lĩnh vực chăn nuôi đạt 432 tỷ đồng, đóng góp hơn 50% giá trị của toàn ngành nông nghiệp ở thị xã.
Tại xã Nguyễn Huệ, mô hình chăn nuôi khép kín của gia đình bà Lê Thị Thành đã cho kết quả tốt, đàn lợn phát triển khỏe mạnh và có nhiều ưu điểm hơn so với chăn nuôi chuồng hở.
Pv Bà Lê Thị Thành (xã Nguyễn Huệ, TX Đông Triều): Trước đây chăn chuồng hở dịch bệnh cao lắm. Bây giờ gia đình làm quy mô khép kín hết. Với đầu dưới là quạt gió, đầu trên là giàn lạnh để đảm bảo nhiệt độ trong chuồng từ 26-28 độ, con lợn lúc nào cũng mát mẻ và nhanh lớn mà đảm bảo được dịch bệnh bên ngoài.
Nhờ hệ thống chuồng chăn nuôi khép kín kết hợp vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng đều đặn, từ thời điểm năm 2021 đến nay, trang trại không còn bị ảnh hưởng của dịch bệnh như lở mồm long móng, lợn tai xanh hay tả lợn Châu Phi.
Hiện nay, trong quá trình chăn nuôi, các trang trại trên địa bàn TX Đông Triều đều chủ động cung ứng nguồn giống tại chỗ, kiểm soát đầu vào và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình phòng dịch.
Bên cạnh đó, để đảm bảo đàn lợn khoẻ mạnh, tránh những yếu tố dịch bệnh, các hộ gia đình cần chủ động xây dựng hệ thống chăn nuôi khép kín, tuân thủ các vấn đề khử trùng, tiêu độc sát khuẩn chuồng trại để phòng dịch bệnh.
PV Bà Chu Thị Thu Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y: Quảng Ninh có đa số là hộ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Nếu không áp dụng tốt các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học thì dễ dẫn đến dịch bệnh xảy ra. Do đó, Sở NN khuyến cáo người dân áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học nhằm kiểm soát tất cả các khâu từ giống, thức ăn, chuồng trại, vệ sinh thú y để phòng chống bệnh dịch lây nhiễm với gia súc gia cầm.
Để phát triển chăn nuôi bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã vận động các trang trại liên kết với doanh nghiệp cung cấp giống, thức ăn và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị bền vững.
Có thể nói, chăn nuôi an toàn sinh học là hướng đi cần thiết nhằm hạn chế có hiệu quả sự xuất hiện của các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Qua đó, lợi ích kinh tế của người chăn nuôi được bảo đảm, góp phần đưa ngành nông nghiệp phát triển ổn định.