Hội Chăn nuôi Việt Nam và các hiệp hội khác kiến nghị lên Chính phủ cần phải có lộ trình trong việc thực thi kê khai về khí nhà kính trong lĩnh vực chăn nuôi.
Sản xuất chăn nuôi trong nước là lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn, do đó, việc đưa các cơ sở chăn nuôi vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính lúc này là chưa phù hợp, thiếu khả thi. Đây cũng là kiến nghị mới nhất của Hội chăn nuôi Việt Nam gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường để góp ý về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022 của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.
Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, việc kiểm kê khí nhà kính là vấn đề mới đối với nhiều cơ sở chăn nuôi, do đó sẽ cần thêm thời gian và nguồn lực để tiến hành, đặc biệt trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn như hiện nay.
PV Ông NGUYỄN XUÂN DƯƠNG, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam:
Khi chúng ta đưa vào kiểm kê khí nhà kính trong lĩnh vực chăn nuôi bắt buộc thì trước hết nó phát sinh ra chi phí. Đơn cử chỉ có việc kê khai thôi thì mỗi một cơ sở chăn nuôi phải mất từ 100 đến 150 triệu để kê khai. Xong kê khai rồi thì phải thực hiện các biện pháp giảm phát thải theo hạn ngạch Carbon thì càng khó. Kinh nghiệm của rất nhiều nước chỉ đưa vào khuyến khích áp dụng và có lộ trình tự nguyện áp dụng thì tôi nghĩ sẽ phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, nên để lộ trình đối với các cơ sở chăn nuôi, phải cần từ 3 đến 5 năm để người chăn nuôi có đủ thời gian chuẩn bị tu sửa chuồn trại để đảm bảo có thể kê khai giảm xuống được; các cơ quan quản lý lĩnh vực chăn nuôi cũng kịp làm quen với vấn đề mới và có những công nghệ. Còn hiện nay chỉ nên khuyến khích, dựa trên tinh thần tự nguyện của các doanh nghiệp lớn.
Theo Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam có khoảng 4.200 các cơ sở thuộc diện phải kiểm kê khí nhà kính. Tập đoàn TH là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này, đã làm trong 4 năm qua, nhưng mất 2 năm đầu chỉ triển khai được hoạt động kê khai khí nhà kính của các trại và rất khó khăn, mặc dù đã có sự đầu tư lớn và hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia nước ngoài.
PV Ông NGÔ TIẾN DŨNG, Quản lý ứng dụng quy trình công nghệ Tập đoàn TH true Milk: Hiện nay chúng tôi sử dụng những cổ phần phối chế hoàn chỉnh thì lượng thức ăn thừa thải ra môi trường khoảng 1,5% thôi và chúng tôi lại tái sử dụng cái nguồn thức ăn thừa cho đàn bò tơ. Bởi vì thế nên hầu hết tất cả thức ăn thừa có thể là gần như bằng không. Khi mà chúng tôi tối ưu hóa để nâng cao năng suất, sản lượng của đàn bò thì đương nhiên nó sẽ giảm cái phát thải khí nhà kính trên một đơn vị sản phẩm sữa là tối thiểu, thì đấy là những công nghệ mà bên TH đang áp dụng.
Sản xuất nông nghiệp trong đó có chăn nuôi là sinh kế của hàng triệu nông dân Việt Nam, thế nhưng phát thải khí nhà kính từ sản xuất nông nghiệp chiếm 33% phát thải khí nhà kính quốc gia, trong dó chăn nuôi chiếm khoảng 18% tổng lượng phát thải khí nhà kính, chính là tác nhân dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị không nên áp dụng phổ biến ngay trên toàn diện ngành chăn nuôi với quy định bắt buộc mà chỉ nên khuyến khích tự nguyện áp dụng trong thời gian tới.