| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao kiến thức cho nông dân tham gia trồng lúa giảm phát thải

Thứ Tư 22/05/2024 , 17:51 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tập huấn quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải phục vụ mô hình thí điểm cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tập huấn quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải phục vụ mô hình thí điểm cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). Ảnh: Thúy Ly.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tập huấn quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải phục vụ mô hình thí điểm cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). Ảnh: Thúy Ly.

Trong 2 ngày 21 - 22/5 tại xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp), Văn phòng Thường trực tại Nam bộ (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp - Quản lý Khai thác công trình thủy lợi - Nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp, Trạm Khuyến nông huyện Tháp Mười và HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười) tổ chức lớp tập huấn quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải phục vụ xây dựng mô hình thí điểm thuộc Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại ĐBSCL.

Tham gia lớp tập huấn, nông dân được bổ sung các kiến thức trong quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải, các lợi ích như giảm công lao động, giảm chi phí lúa giống, giảm lượng phân bón, gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ đó giúp người trồng lúa tăng thu nhập. Bên cạnh đó còn giúp nông dân hiểu về vấn đề bảo vệ môi trường, giảm phân thuốc hóa học, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính

Các thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi được giới thiệu quy trình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp; vai trò của HTX trong tổ chức, sản xuất, liên kết tiêu thụ; các giải pháp khoa học công nghệ mới, quy trình MRV, một số ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác lúa.

Qua tập huấn lần này, đã có gần 45ha của 30 thành viên HTX đăng ký thực hiện mô hình điểm Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.

Sau khóa tập huấn, các học viên sẽ đi tham quan, thực hành trên đồng ruộng. Ảnh: Thúy Ly.

Sau khóa tập huấn, các học viên sẽ đi tham quan, thực hành trên đồng ruộng. Ảnh: Thúy Ly.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi đã thực hiện mô hình sản xuất lúa theo chuẩn SRP từ năm 2019, sản xuất theo quy trình “1 phải 5 giảm” và “3 giảm 3 tăng”, sản xuất an toàn sinh học, áp dụng mô hình tưới ngập khô - xen kẽ. Hiện tại, đã có 150ha lúa của thành viên HTX liên kết sản xuất với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính - một trong những công ty đủ điều kiện liên kết với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV). SVN là tổ chức triển khai chương trình tài trợ hành động ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng ở Việt Nam do Chính phủ Hà Lan tài trợ, giúp nông dân sản xuất lúa theo phương thức đảm bảo điều kiện đạt tín chỉ carbon từ vụ hè thu 2024.

Nông dân Hồ Phước Nghĩa ở ấp 5, xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười) là thành viên của HTX nông nghiệp Thắng Lợi đang canh tác lúa với diện tích 4,7ha. Ông Nghĩa rất phấn khởi khi được Ban Giám đốc HTX lựa chọn dự lớp tập huấn để nghe các chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật và cách sạ lúa theo cụm kết hợp bón phân vùi. Đây là quy trình kỹ thuật mới chưa được áp dụng nhiều ở địa phương.

Theo ông Nghĩa, việc áp dụng phương thức sạ lúa theo cụm và bón phân vùi trong canh tác lúa sẽ giúp nông dân tiết kiệm lượng giống, nước và tránh thất thoát phân bón. Ngoài ra, điều ông quan tâm nhất là sản xuất theo quy trình của Đề án 1 triệu ha lúa giúp thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp giảm chi phí trong sản xuất. Đặc biệt hạt gạo làm ra đạt độ an toàn, từ đó giúp đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Vì vậy sau buổi tập huấn, ông sẽ cùng các thành viên HTX thực hiện sản xuất theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với liên kết với doanh nghiệp để thuận đầu ra trong vụ lúa thu đông 2024 tới đây.

Ông Đoàn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân tham gia tích cực Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao. Ảnh: Thúy Ly.

Ông Đoàn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân tham gia tích cực Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao. Ảnh: Thúy Ly.

Ông Đoàn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) cho rằng, nông dân trong HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi đã thực hiện quy trình sản xuất lúa tiên tiến nên việc sản xuất theo quy trình lúa chất lượng cao, phát thải thấp sẽ không quá khó khăn. Song song với chương trình tập huấn, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười đã có cuộc họp với lãnh đạo UBND xã Mỹ Đông để chỉ đạo địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia tích cực vào Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại ĐBSCL.

Ông Ngô Văn Đây, nguyên Phó Văn phòng Thường trực tại Nam bộ (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết: Chương trình tập huấn lần này nhằm giúp các hộ nông dân, thành viên HTX, cán bộ khuyến nông địa phương, khuyến nông cộng đồng, cán bộ kỹ thuật địa phương áp dụng đúng theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp để triển khai thực hiện xây dựng các mô hình thí điểm thuộc Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 tại các địa phương đã đăng ký tham gia.

Nội dung lớp tập huấn chủ yếu tập trung vào các quy trình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp; vai trò của HTX trong tổ chức, sản xuất, liên kết tiêu thụ lúa chất lượng cao, phát thải thấp; tổ chức liên kết, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng ĐBSCL; giới thiệu các giải pháp công nghệ, quy trình MRV. Sau khóa tập huấn, các học viên sẽ đi tham quan, thực hành trên đồng ruộng.  

Xem thêm
Dân bức xúc vì trại lợn gây ô nhiễm

BẮC KẠN Mới hoạt động một thời gian ngắn, trại lợn ở xã Liêm Thủy (huyện Na Rì) đã gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Hà Nội có thể là địa phương tiên phong loại bỏ tiêu thụ thịt chó, mèo

Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y (Sở NN-PTNT Hà Nội) vừa ban hành công văn hướng tới loại bỏ việc buôn bán thịt và tiêu thụ thịt chó, mèo trên địa bàn.

Mô hình nuôi heo giảm được 95% lượng phân thải ra môi trường

BẾN TRE Mô hình hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải trong chăn nuôi heo theo hướng sinh thái đã giúp giảm 95% lượng phân, không còn mùi hôi, môi trường sạch đẹp.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ trên hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 -2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm