Nhờ chính sách hỗ trợ kinh phí để đầu tư thiết bị cơ giới hóa sau thu hoạch, nhiều HTX tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang phát huy hiệu quả trong sản xuất.
MC:
Mến chào quý vị và bà con đến với Báo Nông nghiệp Việt Nam,
Thưa quý vị, những năm trở lại đây, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung đầu tư vào cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch. Các tổ chức nông nghiệp sẽ được UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí mua máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu sản xuất nông nghiệp. Điều này góp phần phát triển cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa đồng bộ, theo chuỗi liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Để hiểu rõ hơn về chủ trương này của tỉnh, mời quý vị và các bạn theo dõi ghi nhận do các phóng viên Báo Nông Nghiệp Việt Nam khu vực Đông Nam bộ thực hiện.
Phóng sự:
Trước đây, sau mỗi khi thu hoạch bưởi da xanh, từng thành viên của HTX Bưởi da xanh Hắc Dịch phải cùng rửa từng trái bưởi để kịp giao cho khách hàng. Chưa kể, mỗi khi bưởi bị ảnh hưởng bởi rệp, vảy nhiều hoặc thu hoạch trong mùa mưa khiến mẫu mã bị ảnh hưởng, khó cạnh tranh trên thị trường.
Trước tình hình trên, đầu năm 2023, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ dây chuyền sơ chế từ phân loại, xử lý, phun dung dịch bảo vệ, đóng gói trái bưởi cho HTX Bưởi da xanh Hắc Dịch để năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao và giảm nhân công lao động.
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, PGĐ HTX Bưởi da xanh Hắc Dịch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Từ khi có máy rửa này thì đỡ tốn rất nhiều nhân công. Mỗi lần rửa bưởi thì cần 10 - 12 người cho 1 lần xuất hàng, nhưng bây giờ chúng tôi đã tối ưu được 1 nửa. Trái bưởi sẽ để được lâu hơn vì nó qua giai đoạn sục ozone nên kháng khuẩn được. Với lại đi quay máy đánh nên trái bưởi bóng hơn và quạt khô thì bảo quản được lâu hơn.
HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lá Xanh tại huyện Long Điền cũng là tổ chức được hỗ trợ nhiều loại thiết bị trong sản xuất, thu hoạch và sau thu hoạch. Đây cũng là 1 trong 9 dự án được nhận hỗ trợ mô hình liên kết điểm trong năm 2023 của UBND tỉnh.
Với máy cấy lúa này, HTX Lá Xanh tiết kiệm được nhiều nhân công, thời gian và sức khỏe trong việc canh tác lúa. Với sự phụ trợ của cơ giới hóa, HTX đã minh chứng được sự hiệu quả của phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Cảnh Đạt, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lá Xanh (huyện Long Điền):Từ khi đưa máy này vào trong sản xuất từ năm 2023 thì chúng tôi đang chỉ cấy cho một số thành viên trong hợp tác xã thôi. Nông dân bây giờ cũng thấy được nhiều hiệu quả. Nó cũng được một số hậu thuẫn, ví dụ như trong mùa mưa, nếu được trồng bằng lúa cấy thì tránh được tình trạng đổ ngã. Còn lúa gieo thì nếu bão hoặc gió tới thì rất dễ đổ ngã. Nên mình thấy nó có lợi hơn, tránh được đổ ngã.
Cũng trong năm 2023, HTX Chợ Bến tại xã An Ngãi, huyện Long Điền cũng là đơn vị được nhận hỗ trợ kinh phí trong việc mở rộng đầu tư trang thiết bị, cơ giới hóa trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Theo đó, HTX Chợ Bến sẽ nhận được hỗ trợ 30% trong việc mua các thiết bị tự động hóa của một số khâu trong nuôi trồng công nghệ cao, tiền mua giống, thức ăn… Nhờ sự hỗ trợ này, HTX Chợ Bến không chỉ tiết kiệm được nguồn vốn lớn mà năng suất từ đó cũng được nâng lên.
Ông Huỳnh Văn Thuyết, Giám đốc HTX Chợ Bến, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:Nó hỗ trợ cho hợp tác xã rất nhiều, vừa ổn định vốn của hợp tác xã không bị bỏ ra thêm. Khi mà nhận được phần đối ứng đó thì hợp tác xã mạnh dạn đầu tư để mở rộng thêm diện tích. Như năm 2023 thì hợp tác xã chỉ có 8 ao tôm thì đến nay chúng tôi có 10 ao tôm. Từ năng suất 30 tấn/ ao thì nó tăng năng suất lên 35 tấn/ ao. Nó rất hiệu quả.
Cuối năm 2022, UBND tỉnh BRVT đã ban hành Quyết định số 3389 phê duyệt Dự án cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch tỉnh. Điều này không chỉ nhằm đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm giảm lao động chân tay, lao động độc hại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Chỉ sau một thời gian đi vào hoạt động, các mô hình này mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Các mô hình này đang từng bước ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, tăng năng suất lao động. Đồng thời, chúng tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, tăng thu nhập, tăng khả năng huy động vốn cho phát triển sản xuất và thúc đẩy ngành dịch vụ nông nghiệp…
Ông Vũ Ngọc Đăng, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn: Cơ giới hóa là một trong những khâu rất quan trọng, để giảm sức lao động và dùng máy móc để thay sức con người. Đối với công nghệ, đa phần do người Việt Nam làm chủ để ứng dụng được ngay. Khi người ta nhìn thấy công nghệ được đưa vào sản xuất và từ số tiền Nhà nước hỗ trợ thì doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nhà xưởng. Điều này tạo ra những vùng trồng và hiệu ứng an toàn trong sản xuất, cũng như là người nông dân được yên tâm đảm bảo về giá thành.
MC:
Thưa quý vị, với quyết định quan trọng UBND tỉnh BRVT về phê duyệt Dự án cơ giới hóa nông nghiệp đã mở ra cho ngành nông nghiệp của tỉnh nhiều triển vọng mới. Các hỗ trợ của tỉnh mang lại lợi ích giảm lao động chân tay, lao động độc hại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nhờ đó, các mô hình đã góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm chủ lực, thúc đẩy phát triển sản xuất; góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Tới đây, phóng sự do Báo Nông Nghiệp Việt Nam thực hiện cũng xin phép được khép lại. Xin cám ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.