| Hotline: 0983.970.780

Những hạt giống từ trên trời rơi xuống cánh đồng 'không dấu chân'

Thứ Hai 09/09/2024 , 08:40 (GMT+7)

Quảng Bình Mô hình liên kết chuỗi sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và đưa công nghệ vào cánh đồng đã giúp nông dân lãi trên 30 triệu đồng mỗi ha.

Trên cánh đồng rộng hàng chục ha của thôn Tiên Sơn, lúa chín vàng rực một màu. Mấy chiếc máy gặt liên hợp chạy lên, trở dọc như làm tăng thêm niềm vui của bà con nông dân. Ông Trần Minh Trực, Phó trưởng thôn Tiên Sơn (xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) đứng trên bờ ruộng nhìn máy gặt lùi, tiến, nói trong niềm vui: “Nhờ liên kết sản xuất với Tổng Công ty Sông Gianh mà bà con có lãi lớn trên đồng. Chưa có vụ hè thu nào được mùa, được giá như vụ này”.

Sử dụng thiết bị bay gieo sạ trên cánh đồng thôn Tiên Sơn trong vụ hè thu. Ảnh: Tâm Phùng.

Sử dụng thiết bị bay gieo sạ trên cánh đồng thôn Tiên Sơn trong vụ hè thu. Ảnh: Tâm Phùng.

Liên kết để đưa công nghệ vào cánh đồng

Nhiều năm gần đây, Công ty cổ phần Tổng Công ty Sông Gianh (TCT Sông Gianh) đã liên kết với bà con nông dân để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Trên địa bàn thị xã Ba Đồn, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đã mở rộng ra diện tích trên 500ha. Ông Đặng Vũ Thái, Giám đốc Nhà máy sản xuất Giống cây trồng (TCT Sông Gianh), cho hay: “Trong diện tích đó, chúng tôi đưa dần vào sản xuất theo hướng hữu cơ trên 100ha. Vụ hè thu năm nay, chúng tôi lần đầu đưa công nghệ sử dụng thiết bị bay để đảm nhận các khâu quan trọng như gieo sạ, bón phân… trên diện tích gần 5ha tại thôn Tân Sơn”.

Ngày triển khai gieo sạ trên đồng, ông Trần Minh Trực, Phó trưởng thôn Tiên Sơn dậy sớm để ra ruộng. Mấy chục người cũng tâm trạng háo hức như ông nên cả cánh đồng huyên náo như ngày hội. Không ai bảo ai, nhưng trong lòng cùng chung ý nghĩ, chuyện máy bay gieo giống chỉ thấy trên tivi thôi. “Có ai ngờ được là bây giờ nó bay để thay mình rồi. Bữa nay chắc chắn là không còn cảnh nông dân mình đi tới đi lui trên ruộng gieo sạ giống đó hè”, ông Trực nhớ lại.

Cánh đồng sản xuất 'không dấu chân' đầu tiên tại thị xã Ba Đồn. Ảnh: T. Phùng.

Cánh đồng sản xuất “không dấu chân” đầu tiên tại thị xã Ba Đồn. Ảnh: T. Phùng.

Khi tổ cán bộ kỹ thuật của TCT Sông Gianh gieo xong, thu dọn máy móc ra về thì bà con nông dân vẫn nán lại trên bờ ruộng bàn tán xôn xao lắm. Ai cũng nói là trước mắt đã nhìn thấy dùng “máy bay” tiết kiệm nhân công, tiết kiệm lượng giống… Nhưng lại lo lắng là không biết “máy bay” gieo vậy có rải đều hạt giống trên đồng không, hay lại chỗ dày chỗ vắng. Cho đến khi trên ruộng mầm mạ lên xanh mướt, đều khắp mặt ruộng thì bà con mới thở phảo. Có người dành luôn buổi sáng nhìn ngắm hết cả bốn phía ruộng nhiều lần rồi mới chắc mẫm về thông tin cho bà con: “Bây giờ là không phải tốn công tỉa dặm lúa nha, vì trên ruộng lúa cứ lên đều lắm rồi”.

Chuyện bón phân bằng thiết bị bay cũng được nhiều người quan tâm. Tiếng máy ù ù cũng không át được tiếng trao qua đổi lại của bà con trên bờ ruộng. Phân viên hữu cơ là sản phẩm của nhà máy đóng phân trên địa bàn mà bây giờ mới được sử dụng trên đồng. Tháng sau, nhìn cánh đồng xanh lúa làm ai cũng vui, hy vọng có vụ mùa bội thu. Ông Trần Đình Trung, nông dân có gần 10 sào ruộng tham gia sản xuất liên kết cười hà hà, vui vẻ nói: “Làm nông dân bữa nay sướng rồi nha. Cày có máy cày, gieo sạ, rải phân có máy bay kia rồi. Khi thu hoạch thì đã có máy gặt liên hợp. Rứa là trên ruộng không còn dấu chân người rồi, chỉ đợi xem năm nay năng suất lúa chạy được đâu nữa thôi”.

Năng suất lúa lập đỉnh

Vào vụ gặt và thu mua sản phẩm của TCT Sông Gianh. Trên cánh đồng thôn Tiên Sơn rộn ràng tiếng máy gặt, tiếng máy xe công nông vận chuyển lúa lên địa điểm tập kết để bốc lên xe tải lớn chở về kho.

Ông Trần Đình Trung chia sẻ: 'Đây là vụ hè thu được mùa nhất từ trước đến nay'. Ảnh: Tâm Phùng.

Ông Trần Đình Trung chia sẻ: “Đây là vụ hè thu được mùa nhất từ trước đến nay”. Ảnh: Tâm Phùng.

Dưới đám ruộng chín rực trong nắng, ông Trần Đình Trung theo máy gặt từng đoạn ngắn. Khi máy gặt chạy qua thì ông dừng lại, đến bên phần lúa chưa gặt quơ tay ôm mấy bụi lúa với những bông lúa trĩu nặng hạt. Ông bảo, bà con nói trạng là lúa được mùa làm cho máy gặt “nghẹn” luôn, chạy không nổi. Thấy tôi chưa kịp hiểu, ông Trung giải thích: “Là ý bà con nói lúa năng suất cao quá, khi máy gặt cuốn bông lúa vào guồng, hạt lúa mẩy, chắc và nhiều sẽ làm cho máy bị nghẹn không chạy nổi phải dừng lại nghỉ lấy sức mới chạy tiếp được”.

Ông Trung cũng cho biết thêm trên vùng đồng liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ này thì ruộng lúa nhà ai cũng được mùa “loanh quanh” tương tự nhau thôi. “Vụ hè thu mà lúa má được như vậy là nhất nông dân rồi. Trước đây khó mà có vụ lúa được cả năng suất lẫn giá đâu”, ông Trung bộc bạch thêm.

Ở góc ruộng nơi có tấm biển báo mô hình, nhóm cán bộ TCT Sông Gianh đang thực hiện cân lúa đóng bao cho bà con để chuyển lên điểm tập kết. Ông Hoàng Thanh Long, Trưởng thôn Tiên Sơn tham gia theo dõi từng mã cân thóc để đối chiếu cho bà con trong thôn. Cộng sổ lượng thóc và xem lại diện tích lúa, ông Long quay sang nói như thông báo với mọi người xung quanh: “Như vậy là sơ bộ tính năng suất đạt khoảng 80 tạ mỗi ha. Năng suất này là cao nhất từ trước đến nay đối với vụ hè thu của địa phương đấy”.

Nhiều bà con đứng trên bờ ruộng nhẩm tính giá lúa, năng suất và chi phí các khoản trên đồng ruộng để xem lời lãi ra sao. Ông Trần Minh Trực, Phó trưởng thôn Tiên Sơn không cần bấm đốt ngón tay tính toán mà nói luôn: “Có nghĩa là bà con lãi xêm xêm 1,5 triệu đồng mỗi sào rồi đó. Nói rộng ra là mỗi ha cũng cho lãi trên 30 triệu đồng không sai”.

TCT Sông Gianh thu mua lúa tươi tại ruộng với giá cao cho bà con nông dân. Ảnh: Tâm Phùng.

TCT Sông Gianh thu mua lúa tươi tại ruộng với giá cao cho bà con nông dân. Ảnh: Tâm Phùng.

Có mặt tại vùng đồng ‘không dấu chân” cùng với bà con, ông Đặng Vũ Thái, Giám đốc Nhà máy sản xuất Giống cây trồng (TCT Sông Gianh) cho hay, lãnh đạo Tổng Công ty rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp sạch và có định hướng chỉ đạo mở rộng diện tích liên kết trong tỉnh và một số tỉnh khác. Đẩy nhanh tiến độ mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. “Trong những vụ tới, Tổng Công ty tiếp tục triển khai nhiều mô hình đưa công nghệ vào đồng ruộng. Liên kết cùng bà con nông dân xây dựng những vùng đồng ruộng “không dấu chân” để mang lại hiệu quả cao và ổn định cho bà con”, ông Thái nói thêm.

“Những năm gần đây, thị xã Ba Đồn đã hợp tác với các đơn vị liên kết mở rộng sản xuất lúa, phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Đó là những cơ sở để chúng tôi đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên nền tảng một nền nông nghiệp xanh, sạch”, ông Đinh Thiếu Sơn nhìn nhận.

Hiện nay, thị xã Ba Đồn có tổng diện tích sản xuất lúa khoảng 2.600ha. Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Thiếu Sơn, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho hay, địa phương đang tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh liên kết chuỗi, hình thành những vùng chuyên canh lúa sạch trên cơ sở đưa khoa học công nghệ vào hỗ trợ bà con nông dân sản xuất.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.