Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn phải nộp tiền khai thác tài nguyên nước. Hà Tĩnh hỗ trợ hơn 4.000 tấn xi măng kiên cố hóa kênh mương. Lào Cai thúc đẩy xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc. Đồng Tháp đã phát triển được 65 điểm du lịch 'tam nông'.
Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn phải nộp tiền khai thác tài nguyên nước
Minh Phúc – Phạm Huy
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 27/11, với kết quả 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74%), Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Luật gồm 10 Chương, 86 Điều (bổ sung 7 Điều, bỏ 4 Điều, tăng 3 Điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội).
Theo đó, việc khai thác sử dụng nước cho mục đích nông nghiệp (quy mô lớn) thuộc diện cấp phép phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước để bảo đảm công bằng, hợp lý với các ngành kinh tế khai thác, sử dụng nước.
Tuy nhiên, thời điểm cấp quyền khai thác tài nguyên nước với đối tượng này sẽ thu cùng thời điểm thu tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ thủy lợi khi Nhà nước không thực hiện chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi và pháp luật về giá,
Còn đối với sản xuất nông nghiệp quy mô vừa và nhỏ, không thuộc đối tượng cấp phép thì dự thảo Luật quy định không phải nộp tiền cấp quyền khai thác sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả người nông dân trực tiếp khai thác nguồn nước mặt cho nông nghiệp.
Hà Tĩnh hỗ trợ hơn 4.000 tấn xi măng kiên cố hóa kênh mương
Thanh Nga sx
Thực hiện kế hoạch nâng cấp hạ tầng kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2021 – 2025, năm 2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh phân bổ cho 13 huyện, thị xã, thành phố hơn 4.000 tấn xi măng để kiên cố hóa 62 km kênh mương theo kế cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh này.
Theo tổng hợp, đến nay toàn tỉnh đã thi công được gần 42 km, đạt 66% kế hoạch đươch giao, trong đó một số huyện đã hoàn thành và vượt kế hoạch như: huyện Đức Thọ đạt 103%; Hương Sơn 106%. Hiện thời vụ sản xuất vụ xuân năm 2024 đã cận kề, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi hoàn thành khối lượng kênh mương còn lại chưa được kiên cố, kịp thời cấp nước phục vụ sản xuất.
Lào Cai thúc đẩy xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc
Minh Phúc khai thác
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa gửi công văn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện một số giải pháp để thúc đẩy ổn định và tăng trưởng thương mại với thị trường Trung Quốc...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh việc đăng ký, cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, trong đó tập trung công tác quản lý chất lượng vùng nguyên liệu, công tác truy xuất nguồn gốc để tạo điều kiện cho xuất khẩu nông sản chính ngạch và giảm thời gian thông quan hàng hoá. Đồng thời tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng để tăng thêm số lượng trái cây và mặt hàng thủy sản được chính thức xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, xúc tiến đàm phán ký kết Nghị định thư về Kiểm dịch để giảm tỷ lệ hàng hoá phải kiểm tra thực tế rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá.
Đồng Tháp đã phát triển được 65 điểm du lịch ‘tam nông’
Văn Vũ sx
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đã phát triển được 65 điểm tham quan du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đi vào hoạt động phục vụ khách tham quan trải nghiệm khá hiệu quả. Ngoài ra, còn hơn 40 điểm du lịch cộng đồng đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để có thể hoàn thành, đưa vào khai thác trong thời gian tới.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong năm 2023, tỉnh ước đón khoảng 3,8 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt khoảng 1.800 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2025, ngành du lịch đóng góp từ 5 đến 6% trong tổng giá trị GRDP; thu hút 5 triệu lượt khách, tăng bình quân 11,11%/năm; tổng thu du lịch đạt 2.100 tỷ đồng, tăng bình quân 5%/năm. Giải quyết việc làm cho 15.000 lao động.