Đề nghị Hoa Kỳ mở cửa đối với quả dừa và chanh leo Việt Nam. Cận cảnh tuyến đê tả sông Càn bị sụt sâu 3m ở Thanh Hóa. Xuất khẩu cá ngừ sang Anh, Nhật Bản, Đức tăng mạnh. Bình Phước có 28 HTX ứng dụng chuyển đổi số.
ĐỀ NGHỊ MỸ MỞ CỬA ĐỐI VỚI QUẢ DỪA VÀ CHANH LEO VIỆT NAM
(Linh linh – Phạm Huy)
Sáng 18/4, Bộ trưởng Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa KỳThomas J. Vilsack về thúc đẩy hợp tác khoa học kỹ thuật và thương mại nông lâm sản.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Hoa Kỳ đẩy nhanh quá trình đánh giá và mở cửa đối với dừa và chanh leo của Việt Nam. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng kêu gọi phía Hoa Kỳ hỗ trợ nâng cấp trung tâm chiếu xạ Hà Nội nhằm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật. Tạo điều kiện để xuất khẩu vải thiều, nhãn và các loại hoa quả khác sang thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Về phía Mỹ, Bộ trưởng Nông nghiệp Thomas J. Vilsack đánh giá cao quan hệ đối tác giữa hai nước. Phía Hoa Kỳ cam kết cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo năng lực cho Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Với những thiện chí hỗ trợ, ở chiều ngược lại, Bộ trưởng Thomas J. Vilsack đề nghị phía Việt Nam hỗ trợ mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường đối với quả xuân đào, đào, chanh, quýt vàng của Mỹ mở cửa.
CẬN CẢNH TUYẾN ĐÊ TẢ SÔNG CÀN BỊ SỤT SÂU 3M Ở THANH HÓA
Tuyến đê tả sông Càn có nhiệm vụ ngăn lũ, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân xã Nga Điền (xã Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) và các xã lân cận của huyện Nga Sơn vừa bị sụt lở mất một nửa thân đê với chiều dài 50m. Đặc biệt, có đoạn đê bị sạt lở sâu tới 3m từ mặt đê xuống chân đê.
Những hộ gia đình sống dưới mái đê vừa bị sạt lở đều phải cắt cử một người ở nhà để trông nom tài sản phòng khi sự cố xảy ra.
Theo quan sát của Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, thân đê chạy dọc theo theo khúc cua của dòng chảy, đến địa phận thôn 5 thì lõm vào, trông như âu chứa nước. Cho nên mỗi khi nước đổ dồn về đây gây ra hiện tượng xoáy nước ăn sâu vào bờ đê. Người dân ở đây rất lo lắng, chỉ biết trông cậy vào chính quyền địa phương để nhanh chóng khắc phục sự cố
XUẤT KHẨU CÁ NGỪ SANG ANH, NHẬT BẢN, ĐỨC TĂNG MẠNH
(Lê Bình - Minh Sáng)
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang Anh, Nhật Bản, Đức, Israel tăng cao. Đặc biệt, trong tháng 2, xuất khẩu cá ngừ sang Anh đã tăng hơn 13 lần, đạt 971.000 USD.
Ngoài Anh, xuất khẩu sang Nhật Bản, Thái Lan, Đức và Israel hai tháng đầu năm cũng lần lượt tăng trưởng 32 - 99%. Đây cũng là các quốc gia nằm trong top 5 về xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), Anh là một trong 10 thị trường nhập cá ngừ lớn trên thế giới. Hiện, Việt Nam là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 13 trong tổng số 45 quốc gia sang Anh.
Hiệp hội này kỳ vọng các hiệp định FTA sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong vài tháng tới. Dự báo nhu cầu của thị trường có thể dần phục hồi trong nửa cuối năm 2023.
BÌNH PHƯỚC CÓ 28 HTX ỨNG DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ
Bình Phước hiện có 226 HTX đang hoạt động, trong đó có 196 HTX nông nghiệp. Hiện có khoảng 28 HTX ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như HTX Hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang và HTX Mít ruột đỏ Phước Thiện, HTX số Bình Phước.
Theo kiểm tra, đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông và Liên minh HTX tỉnh, 3 HTX đã nắm được quá trình vận hành của hệ thống IoT. Ứng dụng thành công công nghệ số trong nông nghiệp, giúp giảm thiểu nhân công, nâng cao thương hiệu, tự tin đưa sản phẩm nông nghiệp của mình ra thị trường trong và ngoài nước.
Trên cơ sở đó, thời gian tới, Bình Phước sẽ nhân rộng vào lĩnh vực nông nghiệp của các HTX khác và hộ nông dân trong tỉnh.