Đề xuất thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Việt Nam - Vương quốc Anh tiếp tục hợp tác phòng chống kháng thuốc. Giá cà phê trong nước đạt 122.000 đồng/kg. Xã Vị Đông đạt chuẩn nông thôn mới.
Phát biểu tại Hội thảo tham vấn “Bộ tiêu chí và chỉ số kinh tế tuần hoàn để lồng ghép trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển của ngành nông nghiệp”, đại diện Vụ Kế hoạch, Bộ NN-PTNT, bà Nguyễn Hoàng Linh nhận định, việc xây dựng bộ tiêu chí và chỉ số kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn nông nghiệp trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên việc xây dựng bộ tiêu chí phải phản ánh được cụ thể các chỉ số, số lượng tiêu chí không nên quá nhiều để đơn vị tới đây đảm nhận nhiệm vụ này có thể dễ dàng thu thập, tính toán hoàn thiện bộ tiêu chí.
Cũng tại Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Trung Thắng, Phó Vụ trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì Bộ tiêu chí và chỉ số kinh tế tuần hoàn trong phát triển lĩnh vực nông nghiệp phải phù hợp với bộ tiêu chí quốc gia liên quan đến rất nhiều bộ ban ngành. Chính vì vậy việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về kinh tế tuần hoàn trong ngành nông nghiệp là vô cùng cần thiết.
Việt Nam - Vương quốc Anh tiếp tục hợp tác phòng chống kháng thuốc
Thanh Thuỷ - Linh Linh sx
Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Tổ chức Sức khoẻ gia đình quốc tế vừa công bố giai đoạn II của Chương trình Hỗ trợ quốc gia Quỹ Fleming giải quyết tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam.
Quỹ Fleming được quản lý bởi Chính phủ Anh nhằm hỗ trợ các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, cải thiện hệ thống giám sát kháng thuốc, nâng cao năng lực phòng xét nghiệm và thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu có chất lượng để đưa ra quyết định giải quyết vấn đề kháng thuốc ngày càng gia tăng.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), trong giai đoạn I của Chương trình, ba phòng thí nghiệm về thú y đã được hỗ trợ và tham gia vào hệ thống giám sát kháng kháng sinh quốc gia trong lĩnh vực thú y. Trong suốt chương trình, các phòng thí nghiệm đều được tăng cường năng lực kỹ thuật trong quản lý và báo cáo dữ liệu, tăng cường an toàn sinh học và an ninh sinh học và quản lý thông tin.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew thông tin, Giai đoạn II của Quỹ Flemming sẽ tiếp tục những nỗ lực của hai bên nâng cao công tác quản lý kháng thuốc tại Việt Nam mà còn thiết lập hình mẫu cho các quốc gia khác đang phải đối mặt với những vấn để tương tự, nhằm tăng cường hợp tác kháng thuốc trên toàn cầu.
Giá cà phê trong nước đạt 122.000 đồng/kg
Minh Phúc khai thác
Giá cà phê trong nước hôm nay dao động trong khoảng 121.200 - 122.100 đồng/kg. Tình hình khô hạn quá mức ở Brazil có thể khiến cây cà phê ra hoa sớm, và làm giảm năng suất cho vụ cà phê tới của quốc gia Nam Mỹ này đã giúp cà phê 2 sàn tăng mạnh những ngày qua.
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), giá cà phê được thu mua với mức 121.200 đồng/kg.
Tại Đắk Lắk và Đăk Nông, giá cà phê hôm nay ở mức 122.000 đồng/kg.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê chắc chắn sẽ vượt trên 5 tỷ USD, thậm chí có thể lên tới 6 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử.
Xã Vị Đông chuẩn nông thôn mới
Trung Chánh – Văn Vũ sx
Chiều 28/8, UBND huyện Vị Thủy tổ chức lễ công bố quyết định của UBND tỉnh Hậu Giang công nhận xã Vị Đông đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Trần Văn Đà, Chủ tịch UBND xã Vị Đông cho biết, năm 2011, xã Vị Đông bước vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với nhiều khó khăn, thách thức. Xuất phát điểm đạt 6/19 tiêu chí, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư nhiều, kém phát triển, đời sống người dân khó khăn.
Qua hơn 13 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tổng vốn huy động trên địa bàn xã Vị Đông hơn 364 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa đóng góp lên tới 180 tỷ đồng. Toàn xã có 42 mô hình sản xuất cho thu nhập từ 100 triệu đồng/ha trở lên, nhiều sản phẩm nông nghiệp được đầu tư chế biến trở thành sản phẩm OCOP. Hiện xã có 2 hợp tác xã và 7 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 57 triệu đồng/người/năm.