Đông Nam bộ đón đợt hạn bất thường trong mùa mưa 2024. 150.000 liều vacxin AVAC ASF LIVE xuất ngoại. Huyện Tân Phước đạt chuẩn nông thôn mới. Kiên Giang tăng hơn 20.000ha lúa thu đông.
Đông Nam bộ đón đợt hạn bất thường trong mùa mưa 2024
Minh Phúc khai thác
Các chuyên gia khí tượng nhận định, khu vực Đông Nam bộ sẽ trải qua đợt hạn bất thường trong mùa mưa thứ hai trong năm 2024. Thời gian xuất hiện từ ngày 4 đến 6/9. Sau đợt hạn này, khu vực Đông Nam bộ có thể sẽ không xảy ra thêm đợt hạn nào đáng kể. Sau đó, mưa sẽ liên tục xuất hiện do ảnh hưởng của rãnh thấp hoặc áp thấp.
Các nhà khí tượng cho biết, đợt hạn bất thường trong mùa mưa đầu tiên ở Nam bộ trong năm 2024 đã xuất hiện từ khoảng ngày 10/8 đến 24/8.
Các tháng 8, 9 và 10 vẫn đang trong mùa mưa ở Nam bộ. Mùa mưa ở khu vực này thường bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến tháng 11, trong khi mùa khô bắt đầu từ tháng 12 và kéo dài đến tháng 4 năm sau.
150.000 liều vacxin AVAC ASF LIVE xuất ngoại
Duy Học sx
Lô hàng 150.000 liều vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi (AVAC ASF LIVE) do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, phát triển sẽ xuất sang Philippines vào ngày 29/8. Lô hàng này nằm trong tổng số 600.000 liều AVAC ASF LIVE mà Chính phủ Philippines đã đặt sau khi cho phép lưu hành tại nước này từ tháng 7/2024.
Theo đó, ngày 26/8, đại diện nhóm nông nghiệp uy tín tại Philippines và đơn vị nhập khẩu vacxin đã đến kiểm tra kho hàng của Nhà máy AVAC tại Hưng Yên. Mục đích chuyến thăm để giám sát, giúp sau này phân biệt được vacxin ASF Chính phủ Philippines mua và vacxin nhập lậu.
Hiện, Việt Nam là nước duy nhất nghiên cứu, phát triển thành công và thương mại hóa vacxin ASF.
Huyện Tân Phước đạt chuẩn nông thôn mới
Minh Đảm sx
Sáng 27/8, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ kỉ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện Tân Phước và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Từ một vùng đất Đồng Tháp Mười vốn hoang sơ, nước phèn chua, đi lại khó khăn, mùa khô thiếu nước ngọt, mùa mưa lũ lụt ngập sâu và kéo dài, cơ sở hạ tầng thiếu thốn nhiều mặt, dân cư thưa thớt phân bố không đều, có 45% hộ nghèo; 5% hộ đói. Qua 30 năm khai phá đến nay diện mạo của huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã thay đổi rõ nét. Đất đai được khai hoang, kênh mương được mở rộng giúp người dân nhân rộng mô hình sản xuất được hơn 17.000 ha cây khóm, 6.000 ha lúa và hàng nghìn ha cây ăn trái khác, đời sống người dân đã nâng lên.
Hiện nay, huyện Tân Phước đã ổn định về dân cư, với hơn 66.500 nhân khẩu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Mức thu nhập bình quân đầu người trên 64 triệu đồng/người/năm, tăng 42,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2011.
Kiên Giang tăng hơn 20 ngàn hecta lúa thu đông
Trung Chánh – Văn Vũ sx
Diện tích gieo sạ lúa thu đông 2024 của tỉnh Kiên Giang tăng hơn 20 ngàn ha so với kế hoạch, sản lượng có thể đạt trên 500 ngàn tấn lúa hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, vụ lúa thu đông 2024, nông dân trong tỉnh đã xuống giống trên 94.600ha, tăng hơn 20.600ha so với kế hoạch đề ra từ đầu vụ (kế hoạch 74.000ha), tập trung ở các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Hòn Đất, Giang Thành, Châu Thành, Gò Quao và TP Rạch Giá. Hiện các trà lúa chủ yếu ở giai đoạn đẻ nhánh và đòng - trổ, lúa đang phát triển tốt, ít bị dịch hại tấn công. Trong đó, các huyện có diện tích lúa thu đông tăng mạnh là: Tân Hiệp tăng trên 10.000ha, Giồng Riềng tăng trên 7.000ha, Châu Thành tăng hơn 2.000ha và TP Rạch Giá tăng gần 1.000ha.