Giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng. Giá cà phê tăng cao nhưng doanh nghiệp lao đao. Tiền Giang mời gọi đầu tư 40 dự án tổng vốn gần 53.000 tỷ đồng. Bắc Kạn phát triển ít nhất 20 sản phẩm OCOP mới.
Giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng
Minh Phúc khai thác
Sau khi cắt đà giảm vào tuần trước đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng nhờ Indonesia đấu thầu để tăng nguồn cung.
Trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu ở một số nhóm giống tăng nhẹ từ 50-100 đồng/kg, chủ yếu trên giống IR50404, OM5451 và nhóm giống ST; trong đó, giá lúa thường dao động từ 7.400 - 8.300 đồng/kg, lúa thơm nhẹ từ 8.000 - 8.400 đồng/kg và lúa đặc sản từ 8.400 - 10.500 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến giữa tháng 3, các tỉnh Nam Bộ đã thu hoạch 796.837 ha, chiếm trên 50% diện tích gieo trồng. Các địa phương cũng đã xuống giống vụ Hè Thu đạt 195.669 ha.
Về xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với giá từ 590 - 595 USD/tấn, so với mức 585 USD/tấn của một tuần trước đó.
Giá cà phê tăng cao nhưng doanh nghiệp lao đao
Minh Phúc khai thác
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang đối mặt với tình cảnh lỗ nặng khi đã ký hợp đồng từ trước và nguồn cung rất khan hiếm.
Tháng 11/2023, giá cà phê chỉ dao động ở mức 59.000-60.000 đồng/kg nhưng hiện nay, giá đã vọt lên hơn 95.000 đồng/kg.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho biết họ gặp khó trong việc thu mua nguyên liệu, nhiều đơn hàng phải chịu lỗ nặng mua giá cao để có hàng giao.
Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, giá cà phê liên tục tăng nên nhiều nông dân hạn chế giao hàng số lượng lớn cho các đại lý đã chốt giá trước đó. Đại lý không đủ hàng giao cho các nhà chế biến, còn doanh nghiệp xuất khẩu chịu cảnh thua lỗ vì mua cao, bán thấp.
Tiền Giang mời gọi đầu tư 40 dự án tổng vốn gần 53.000 tỷ đồng
Minh Đảm sx
Sáng 24/3, tại TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang. Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo hội nghị. Thủ tướng cũng hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chọn Tiền Giang thực hiện dự án, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy sứ mệnh trên tinh thần “ba cùng” - “cùng lắng nghe, thấu hiểu”, “cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động”, “cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển”.
Dịp này, tỉnh Tiền Giang công bố danh mục 40 dự án mời gọi đầu tư ở các lĩnh vực: Phát triển đô thị, khu dân cư; thương mại, dịch vụ, du lịch; công nghiệp; kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường; nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư gần 53.000 tỷ đồng.
Bắc Kạn phát triển ít nhất 20 sản phẩm OCOP mới
Ngọc Tú sx
Thực hiện Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), năm 2024, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu phát triển thêm ít nhất 20 sản phẩm mới đạt 3 sao trở lên. Bình quân mỗi huyện, thành phố sẽ có thêm từ 2 đến 3 sản phẩm OCOP mới. Những sản phẩm OCOP mới sẽ tập trung vào những mặt hàng nông, lâm sản chủ lực của tỉnh. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh Bắc Kạn sẽ hỗ trợ 8 chủ thể, chủ yếu là các hợp tác xã có sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2024. Năm 2024, tỉnh Bắc Kạn cũng tập trung củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm OCOCP đã được công nhận. Hiện nay tỉnh Bắc Kạn có 188 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 22 sản phẩm 4 sao.