Đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp phát triển nuôi biển. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Giá mủ cao su lao dốc do nhu cầu găng tay giảm. Xuất khẩu cà phê 2022 có thể chạm mốc 4 tỷ USD.
ĐỒNG HÀNH, SÁT CÁNH CÙNG DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN NUÔI BIỂN
Phát biểu tại hội thảo nuôi biển năm 2022 do Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức, ngày 3/11, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng và Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam. Tuy nhiên, phát triển ngành nuôi biển ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp như quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt. Do đó, các địa phương cần tạo điều kiện tối đa về môi trường đầu tư, đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp phát triển. Theo đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, mục tiêu đến năm 2025 diện tích nuôi biển đạt 280.000ha, sản lượng 850.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 0,8 - 1 tỉ USD.
TRUNG QUỐC LÀ THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU CÁ TRA LỚN NHẤT CỦA VIỆT NAM
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam – VASEP, tính đến hết tháng 10, giá trị xuất khẩu cá tra của cả nước ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó riêng thị trường Trung Quốc chiếm 30% với khoảng 654 triệu USD, tăng 110%. Từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc duy trì vị trí thị trường nhập khẩu cá tra số 1 của Việt Nam. So với các thị trường khác, nước này luôn duy trì mức tăng trưởng cao nhất, qua các tháng đều có doanh số gấp hơn 2 lần cùng kỳ. VASEP nhận định, chính sách zero Covid khiến sản lượng từ hoạt động khai thác và nuôi trồng thuỷ sản của nước này bị giảm đáng kể. Do do, quốc gia đông dân nhất thế giới phải gia tăng nhập khẩu các mặt hàng thủy sản, trong đó có cá tra từ Việt Nam để bù đắp sự thiếu hụt cho tiêu dung nội địa.
XUẤT KHẨU CÀ PHÊ 2022 CÓ THỂ CHẠM MỐC 4 TỶ USD
Trong bối cảnh thế giới thiếu hụt nguồn cung, trong khi mùa vụ thu hoạch cà phê Việt Nam đang tới gần với sản lượng dự kiến tăng cao. Dự báo, xuất khẩu cà phê năm nay của Việt Nam có thể thiết lập được mốc kỷ lục 4 tỷ USD.Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê trong 10 tháng đạt khoảng 3,3 tỷ USD, tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là ngành hành được đánh giá có khả năng tiếp tục tăng mạnh về giá trị xuất khẩu nhờ hưởng lợi về giá bán cao.Liên minh châu Âu - EU tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 39% tổng khối lượng xuất khẩu.
GIÁ MỦ CAO SU LAO DỐC DO NHU CẦU GĂNG TAY GIẢM
Giá cao su ngày 3/11 tại thị trường thế giới tiếp tục biến động trái chiều. Trong đó, giá cao su kỳ hạn tháng 11/2022 tại sàn Thượng Hải tăng 0,58% lên mức 11.340 nhân dân tệ/tấn;, sàn Tokyo giảm 0,56% về mức 216 yen/kg. Giới chuyên gia nhận định, nhu cầu về găng tay suy yếu sau khi đại dịch Covid-19 ở nhiều nơi trên thế giới đã bớt căng thẳng. Điều này khiến giá mủ cao su lao dốc, buộc nhiều nông dân phải kéo dài thời gian khai thác.Tại thị trường trong nước, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước được Công ty cao su Phú Riềng thu mua với giá 270-280 đồng/độ mủ;Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 273 - 275 đồng/độ mủ.