Lão nông hiến con đường dài 1.000m để người dân đi lại. Đường huyết mạch biên giới xuống cấp nghiêm trọng. Nông dân trúng lớn khi giá hành lá tăng cao. Nhiều người dân tự nguyện giao nộp ngư cụ bị cấm.
Lão nông hiến con đường dài 1.000m để người dân đi lại
Văn Vũ sx
Nhằm góp phần xây dựng làng quê ngày càng giàu đẹp, ông Võ Văn Tất ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đã nhiều lần hiến đất để mở đường, xây cầu và nhà văn hóa ấp.
Theo đó, con đường có chiều dài khoảng 1.000m, nằm cặp con kênh 4.500, được ông Tất hiến đất và làm đường đến nay đã 30 năm, giúp hàng trăm hộ dân tại Ấp 2A đi lại dễ dàng, thuận tiện vận chuyển hàng hóa và giúp các em nhỏ đi học không còn phải lội xìn, lội mương.
Ông Trịnh Quan Sen, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cho biết, việc làm của ông Tất là nghĩa cử đẹp, là tấm gương điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Ngoài hiến đất, gia đình ông còn góp sức, đóng góp kinh phí để cùng chính quyền trực tiếp làm đường, xây cầu…không chỉ là gương điển hình của địa phương trong phát triển kinh tế, làm giàu mà còn là nhân tố tích cực cùng địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Đường huyết mạch biên giới xuống cấp nghiêm trọng
Thanh Nga sx
Sau nhiều năm khai thác sử dụng, tuyến huyện lộ 6 ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường bong tróc, hư hỏng khiến giao thông đi lại của người dân bị ảnh hưởng.
Tuyến đường huyện lộ 6 dài hơn 20 km nối từ đường Hồ Chí Minh vào Đồn Biên phòng 571 (nay là Đồn Biên phòng Phú Gia), huyện Hương Khê. Đây là tuyến đường giao thông độc đạo dẫn vào bản Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê, nơi có hơn 170 hộ dân sinh sống.
Ngoài ra, tuyến đường còn có nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh, tuần tra biên giới, bảo vệ rừng, cứu hộ cứu nạn, phòng chống thiên tai...
Năm 2015, UBND huyện Hương Khê đã cấp kinh phí tu sửa lại tuyến đường. Nhưng đến nay mặt đường hư hỏng, bong tróc thành từng mảnh, đặc biệt một số điểm nền đường tạo thành vết nứt gây nguy hiểm cho phương tiện giao thông qua tuyến.
Nông dân trúng lớn khi giá hành lá tăng cao
Hùng Khang sx
Tại làng Yên Nội, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm hiện nay có tới 80% hộ dân trồng hành lá, với diện tích khoảng 30ha chuyên phục vụ thị trường tiêu dùng Hà Nội.
Ngay từ sáng sớm, người dân đã tất bật ra đồng để thu hoạch hành lá, trải qua các công đoạn: nhặt bỏ lá úa, bó thành từng đon, rửa sạch để ráo nước.
Theo bà Hoàng Thị Hà, trồng hành lá khá vất vả. Từ khi gieo hạt phải chăm sóc rất kỹ, sau khoảng 2 tháng cây con sẽ được chuyển sang cấy từng khóm thành hàng luống, chăm sóc tiếp 2 tháng thì được thu hoạch.
Hiện nay, giá hành lá được thương lái thu mua với giá 35.000 đồng/kg, năng suất đạt khoảng 500kg/sào, thu nhập gần 20.000.000 đồng mỗi sào. Với giá này người trồng hành lá tại làng Yên Nội rất phấn khởi.
Nhiều người dân tự nguyện giao nộp ngư cụ bị cấm
Văn Vũ sx
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, tận dụng nguồn lợi thủy sản nội đồng trên các sông, rạch, người dân sinh sống khu vực nông thôn khai thác không theo quy định, dẫn đến nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt nghiêm trọng.
Để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế gắn với công tác bảo tồn và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người khu vực nông thôn.
Ông Lư Tấn Hòa, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết, qua các đợt tuyên truyền bà con nông thôn tuân thủ chấp hành rất tốt, đa số bà con đều ý thức được việc khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm, khai thác một cách tràn lan sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tôm cá tự nhiên, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của chính họ về lâu dài, nên nhiều trường hợp tự nguyện giao nộp các dụng cụ khai thác không đúng quy định để địa phương tiến hành tiêu hủy.