Sự đầu tư đồng bộ từ Dự án MD-ICRSL mang đến cho nông dân tỉnh Trà Vinh sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế bền vững.
Dự án MD-ICRSL: Đầu tư đồng bộ từ giải pháp công trình đến phi công trình
Là địa phương giáp biển, nông dân xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh lựa chọn sinh kế chủ yếu là nghề nuôi trồng thủy sản. Đứng trước tác động của Biến đổi khí hậu, nguồn nước trong vùng thường xuyên thay đổi, dẫn đến việc nuôi tôm cũng trở nên rủi ro.
Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (MD-ICRSL). Trung tâm khuyến nông tỉnh Trà Vinh đã triển khai thành công nhiều mô hình sinh kế giúp nông dân trong xã đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, hạn chế sử dụng hóa chất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng với BĐKH và tăng lợi nhuận. Nổi bật là loại hình nuôi tôm sú kết hợp cá rô phi trong vèo.
Phương pháp này giúp người nuôi đảm bảo chất lượng nước ao nuôi, nhờ cá rô phi ăn lượng thức ăn thừa trong ao. Đáng nói, loại hình này hạn chế được lây nhiễm bệnh cho con tôm, điều mà bà con nông dân ai cũng mong muốn.
Anh Ngô Tấn Tài, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
“Hiện nay nguồn nước rất xấu, thời tiết khí hậu thay đổi không thuận tiện cho việc nuôi tôm, rủi ro rất cao. Nên bà con chuyển đổi phát triển nuôi cá. Mình muốn làm sao cho con cá nó phát triển, có giá trị kinh tế đưa ra để mình có đồng lời, có lợi nhuận cho bà con. Dự án hỗ trợ 50%, cung cấp giống, thức ăn, tốc độ cá phát triển tương đối tốt”.
Ông Nguyễn Văn Vô, Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
“Người dân lúc đầu còn quen lối canh tác truyền thống được dự án tập huấn triển khai, hỗ trợ thích ứng với BĐKH, nuôi tôm kết hợp với cá rô phi, nhìn chung triển khai có hiệu quả”.
Với mô hình nuôi tôm sú kết hợp cá rô phi trong vèo, sau hơn 4 tháng thả nuôi bà con có thể thu được trung bình mỗi hecta 10 tấn tôm và 500kg cá rô phi, năng suất cao. Hơn hết là giúp giảm thiểu dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường. Nhờ đó đầu ra cho tôm sú thuận lợi hơn cả về giá bán lẫn thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh việc chú trọng tới sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, dự án MD-ICRSL đã triển khai đầu tư xây dựng rất nhiều công trình tại tỉnh Trà Vinh. Tiêu biểu là Tiểu Dự án 6 “Kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Măng Thít”. Trong đó, việc đầu tư hệ thống cống Bông Bót và Tân Dinh thuộc địa bàn xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè đã giúp nông dân vùng ven biển ở các huyện: Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải… chủ động nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất. Cống vận hành, chủ động đóng - mở theo từng chu kỳ con nước để tiếp ngọt cho các địa phương trên. Việc vận hành luôn được bám sát 24/24 giờ với diễn biến của độ mặn trên Sông Hậu.
Ông Diêu Hùng Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh
“Sau khi cống hoàn thành giúp thông thương nối liền tỉnh lộ 915 của Trà Vinh nối liền với tỉnh Vĩnh Long và đặc biệt thông thương với TP Cần Thơ cho nên việc vận chuyển hàng hóa của bà con rất dễ dàng”.
Sự hỗ trợ cũng như đầu tư một cách đồng bộ từ các giải pháp công trình đến phi công trình thích ứng với BĐKH tại tỉnh Trà Vinh đã cho thấy hiệu quả mà Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL mang lại. Qua đó, giúp một bộ phận người dân ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế bền vững.