Đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ công nghệ sinh học tiên tiến. Trồng táo kết hợp với dịch vụ du lịch. Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Hàn Quốc hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp báo cáo tình hình thực hiện ‘Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030’, sáng 24/5, thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng công nghệ sinh học góp phần vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ví dụ như trong nghiên cứu sản xuất giống lúa, gạo đã nghiên cứu chọn tạo ra những dòng gạo ngon nhiều tính trạng vượt trội và cho năng suất cao.
Đối với ngành nông nghiệp, phát triển ngành công nghiệp sinh học đang cho giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường phục vụ phát triển kinh tế. Thời gian tới cần nâng cao tiềm lực nghiên cứu phát triển, ứng dụng và làm chủ công nghệ sinh học hiện đại của khu vực và thế giới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ công nghệ sinh học ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực.
Trồng táo kết hợp với dịch vụ du lịch
Đinh Mười sx
Gia đình anh Vũ Văn Tuấn sở hữu trang trại trồng táo lê Đài Loan rộng hơn 1ha tại thôn Tân Quang, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng với nhiều nét mới mẻ.
Theo anh Tuấn, táo lê Đài Loan trồng một lần nhưng có thể thu hoạch trong nhiều năm, quả táo to, giòn, ngọt sắc, khác hẳn các vùng trồng táo khác. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư lại thấp.
Với hơn 1ha canh tác, mỗi năm, vườn táo mang lại thu nhập cho gia đình anh Tuấn 400 -500 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả tốt, anh Tuấn đang sưu tầm các giống táo mới giá trị hơn để mở rộng diện tích. Song song với đó, gia đình anh cũng đầu tư trang trại thành điểm than quan trải nghiệm cho người dân cùng đam mê và phục vụ khách du lịch.
Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế
Lê Khánh sx
Hiện nay, tại khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng còn thấp. Hầu hết quy mô sản xuất ở các địa phương còn nhỏ lẻ manh mún, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, nguồn ngân sách hỗ trợ còn hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác.
Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, các nhà quản lý, nhà khoa học và nông dân đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả trong việc triển khai, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển nông nghiệp bền vững.
Hàn Quốc hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam
Thực hiện: Vũ Đình Thung
Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam vừa phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Định khởi công Dự án “Hành động bom mìn vì làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc” tại 3 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi và Bình Định. Dự án sẽ thực hiện từ tháng 5 năm 2024 đến tháng 12 năm 2026, với tổng kinh phí hơn 14 triệu USD từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc.
Dự án sẽ tập trung khắc phục hậu quả bom mìn gắn kết chặt chẽ với mục tiêu nhân đạo và phát triển kinh tế - xã hội; mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ khảo sát kỹ thuật, rà phá bom, mìn; quản lý thông tin; triển khai khảo sát kỹ thuật 15.000 ha và rà phá bom, mìn hơn 6.000 ha tại 3 tỉnh trên. Đồng thời, dành kinh phí hỗ trợ nạn nhân bom, mìn, vật nổ và người khuyết tật ở các khu vực dự án thực hiện.