Tỉnh Lạng Sơn có 190 vùng sản xuất được cấp mã số vùng trồng, với diện tích là gần 937 ha. Việc thiết lập được mã số vùng trồng sẽ là “hộ chiếu” để nông sản xuất khẩu theo con đường chính ngạch, vươn ra thị trường quốc tế, tăng thu nhập cho người nông dân.
Đến thời điểm này, tỉnh Lạng Sơn có 4 huyện gồm: Bình Gia; Chi Lăng; Văn Quan; Tràng Định được cấp mã số vùng trồng cho nông sản chủ yếu là Thạch Đen, Ớt, Na.
Để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, phòng NN-PTNT các huyện đã tuyên truyền đến người dân các quy định về kiểm dịch thực vật theo tiêu chí của các nước nhập khẩu; Tổ chức nhiều lớp tập huấn về quy trình trồng, chăm sóc cũng như thủ tục, trình tự cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu…
Đồng thời, hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, OTAS. Bên cạnh đó, các huyện đã vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện liên kết và đồng bộ quy trình sản xuất. Từ đó, dần đáp ứng các tiêu chí cấp mã số vùng trồng như diện tích, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm…
Bà BẾ THỊ HIỆNG, Thôn 1, xã Tân Tiến, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn
Mấy năm trước nhà tôi trồng thạch được khá nhiều. Qua tuyên truyền 2 năm nay tuyên truyền về NGhị định thư, nhà tôi cũng làm theo đúng tiêu chuẩn của NĐ thư đưa ra. Năm nay gia đình tôi cũng trồng khoảng 8 sào đến 1 mẫu. Qua tuyên truyền gia đình tôi cũng chấp hành nghiêm và làm sạch sẽ, loại bỏ những chất tạp, cây cỏ dại và đất cát ở trong cây thạch, rễ tôi cũng loại bỏ không có đất cát .
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có 190 vùng trồng được cấp mã số, với diện tích là gần 937 ha. Để duy trì các điều kiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu, Chi cục TT-BVTV đã phối hợp với phòng chuyên môn các huyện tiến hành giám sát định kỳ đối với 129 vùng trồng Ớt, Thạch đen, trong đó có 01 vùng trồng Ớt xuất khẩu sang thị trường Malaysia tại huyện Văn Quan; 128 vùng trồng Thạch đen xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tại huyện Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng.
Ông HOÀNG VĂN LỢI, Phó trưởng Phòng Trồng trọt, Bảo vệ và KDTV, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Lạng Sơn
Thực hiện kế hoạch hàng năm, chi cục Bảo vệ thực vật đã thực hiện công tác kiểm tra và giám sát mã số vùng trồng đã được cấp. Việc giám sát hàng năm được thực hiện thường xuyên. Qua giám sát thì thấy được 1 số vùng trồng, do nhận thức của một số bà con chưa dược đầy đủ, đất canh tác manh mún nên để đảm bảo theo tiêu chuẩn, duy trì mã số vùng trồng chưa đáp ứng nên chúng tôi cũng đã làm thủ tục để hủy mã số vùng trồng. Để làm sao duy trì mã số vùng trồng nó đáp ứng công tác xuất khẩu hàng nông sản chính ngạch.
Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.
Đối với một tỉnh như Lạng Sơn có nhiều loại cây trồng có tiềm năng xuất khẩu lớn như Thạch đen, ớt và một số sản phẩm cây ăn quả đặc sản như: Hồng không hạt Bảo Lâm, Na… Việc xây dựng, thiết lập được mã số vùng trồng sẽ là “hộ chiếu” để nông sản xuất khẩu theo con đường chính ngạch, từng bước phát triển để đưa sản phẩm nông nghiệp vươn ra thị trường quốc tế, từ đó tăng thêm thu nhập cho người nông dân.