| Hotline: 0983.970.780

Cải thiện dinh dưỡng từ bữa ăn học đường

Thứ Ba 15/11/2022 , 06:15 (GMT+7)

Việc triển khai bữa ăn dinh dưỡng đã giúp khắc phục từng bước tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở các xã vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Lạng Sơn.

Chú trọng bữa ăn học đường

Chúng tôi đến trường mầm non xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đúng thời điểm nhà trường đang tổ chức bữa ăn trưa cho các trẻ. Không khí nhộn nhịp xen lẫn tiếng nói cười của trẻ đã xua tan đi cái lạnh những ngày đầu đông ở xã vùng sâu biên giới này.  

Bữa ăn của trẻ hôm nay gồm có thịt xay và đậu xốt cà chua, canh rau ngót thịt băm. Thức ăn nóng hổi, thơm ngon đã thu hút các bé ăn uống một cách hào hứng và nhanh chóng. Bé Vi Thị Bích Thùy, lớp 5 tuổi A trường mầm non xã Thanh Lòa nhí nhảnh nói: “ Con thấy cơm ở trường rất ngon, có thịt, có đậu, có rau. Suất này con ăn hết luôn. Buổi chiều chúng con còn được ăn quà nữa. Con thích đến trường đi học”.

Ngoài bữa chính, các em được bổ sung thêm các bữa phụ gồm bánh, sữa. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ngoài bữa chính, các em được bổ sung thêm các bữa phụ gồm bánh, sữa. Ảnh: Nguyễn Thành.

Trường mầm non xã Thanh Lòa là một trong những trường nằm trong khu vực biên giới của huyện Cao Lộc. Năm học này, trường có 82 trẻ, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 100%. Học sinh ở đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhằm nâng cao thể chất, giảm tỉ lệ trẻ em bỏ học, ngay từ đầu năm học, căn cứ tình hình thực tế,  trường mầm non xã Thanh Lòa đã đề ra các giải pháp duy trì và bảo đảm nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ.  

Để trẻ có một bữa ăn tốt và chất lượng, nhà trường xây dựng thực đơn theo ngày, theo tuần. Mỗi bữa ăn cân đối đủ chất dinh dưỡng, với thực đơn được xây dựng đáp ứng đủ lượng calo; cân đối các chất béo, đạm, tinh bột, các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất theo tỉ lệ thích hợp.

Thực đơn đa dạng, phong phú, dùng nhiều loại thực phẩm theo mùa, tạo sự ngon miệng cho trẻ. Nhờ chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh từ khâu lựa chọn thực phẩm đến khâu chế biến, bữa ăn của trẻ luôn được đảm bảo an toàn, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, các em đều có sức khỏe tốt và yên tâm học tập.

Cô giáo Hoàng Thị Hoa, Hiệu trưởng trường mầm non xã Thanh Lòa, cho biết: “Nhà trường thực hiện tốt bữa ăn bán trú cho các cháu, từ khâu xây dựng kế hoạch, cũng như chỉ đạo chú ý tính đến khẩu phần ăn cho các cháu đảm bảo năng lượng. Và luôn luôn chú ý đến vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu mua bán cũng như hợp đồng sản phẩm. Hàng tháng y tế nhà trường cũng phối hợp ngành y tế địa phương thực hiện cân đo trẻ để theo dõi sức khỏe, để chăm sóc nuôi dưỡng các cháu đảm bảo tỉ lệ chiều cao cân nặng”.

Những năm gần đây, chất lượng bữa ăn bán trú cho các em học sinh của trường mầm non trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ngày càng được cải thiện và nâng cao. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn, năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh chỉ còn gần 3.990 trẻ trong tổng số hơn 55.100 trẻ ra lớp bị suy dinh dưỡng.

Chị Nông Thị Thanh ở thôn Hà Quảng, xã Hòa Bình, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Tôi được tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe cho trẻ con, nhất là đề phòng suy dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Bản thân tôi đã tự xây dựng cho mình thực đơn hàng ngày của con đảm bảo đầy đủ chất. Gia đình cũng đã chú trọng phát triển kinh tế vườn ao chuồng nuôi gà vịt, vừa đảm bảo lương thực, vừa cải thiện bữa ăn mà vẫn có thu nhập”.

Đồng bộ các giải pháp phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ

Theo bác sĩ Lê Thị Kiều Oanh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn, những năm gần đây tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi được giảm dần qua các năm. Năm 2020, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi thể nhẹ cân còn 16,4%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn 23,1%.

Cán bộ tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về dinh dưỡng cho trẻ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cán bộ tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về dinh dưỡng cho trẻ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hầu hết các trường hợp suy dinh dưỡng đều xảy ra trước khi trẻ 3 tuổi, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể cân nặng. Những trẻ này thường dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và nguy cơ tử vong cao hơn so với trẻ bình thường. Bởi vậy, việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ ngay từ ban đầu là rất cần thiết.

“Để đề phòng suy dinh dưỡng ở trẻ em, trước hết cần phải chăm sóc dinh dưỡng thời kỳ đầu đời cho trẻ tức là từ khi bà mẹ mang thai cho đến khi trẻ 24 tháng tuổi. Và khi mà trẻ sinh ra dưới 6 tháng tuổi cần bú mẹ hoàn toàn, từ 6 tháng đến 24 tháng tuổi vẫn cần duy trì bú mẹ nhưng cần bổ sung các chất dễ hấp thu vì sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ, giúp cho trẻ phát triển toàn diện sau khi sinh và chống lại một số bệnh tật do nhiễm trùng. Lưu ý là không nên ăn dặm quá sớm, trong bữa ăn dặm thì cần phải cân đối giữa các nhóm thực phẩm chính như là tinh bột chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất”, bác sĩ Oanh nhấn mạnh.

Để giảm thiểu tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em, giúp các em nâng cao thể chất, phát triển khỏe mạnh. Bên cạnh các chính sách y tế, giáo dục dành cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi như uống Vitamin A năm 2 lần, hỗ trợ gạo, sữa học đường…, các trường mầm non còn thực hiện đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng theo dõi thể lực mỗi năm 3 lần vào đầu năm học, giữa năm học và cuối năm học, ngoài ra còn phối hợp với y tế địa phương tổ chức khám sức khỏe định kỳ một số chuyên khoa cho trẻ; xây dựng thực đơn và khẩu phần ăn đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho từng nhóm trẻ.

Cùng với đó, tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn các hoạt động truyền thông về phòng, chống suy dinh dưỡng và phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng được tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Những hoạt động này được đẩy mạnh hơn vào các đợt chiến dịch như Ngày vi chất dinh dưỡng, Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ, Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển… để từ đó người dân, nhất là các bà mẹ có thể chủ động phòng, chống suy dinh dưỡng cho con.

Tỉnh Lạng Sơn đặt ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 24%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 15%. Hiện nay, tỉnh đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu vùng xa.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, rất cần sự chung tay của người dân và các cấp chính quyền, các Bộ, ngành. Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để hướng dẫn người dân về k‎ỹ thuật canh tác phù hợp, phát triển mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng ở các hộ gia đình nhằm đưa giống mới, kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, chuyển đổi mô hình canh tác truyền thống phù hợp, nhất là thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch, tạo nguồn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng, cải thiện chất lượng bữa ăn.

Tại Lạng Sơn, công tác cải thiện tình trạng dinh dưỡng, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em được triển khai 100% tại các huyện, thành phố đến các thôn, bản. Hàng năm, trên 98% số trẻ được cân đo, đánh giá tình trạng dinh dưỡng; trên 98% số trẻ được bổ sung Vitamin A; 100% các trường tiểu học được triển khai Dự án tẩy giun, tỷ lệ học sinh tiểu học được uống thuốc tẩy giun hàng năm đạt trên 99%.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.