Gạo Việt chiếm hơn 79% thị phần tại Philippines. Hơn 9.000 tàu cá không đủ điều kiện hoạt động. Bộ đội Biên phòng Quảng Bình giúp dân sau lũ. Nuôi sò huyết trong vuông tôm cho lợi ích kép.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, đến cuối tháng 10/2024, gạo Việt Nam tiếp tục giữ vị thế chủ lực khi xuất khẩu vào thị trường Philippines, chiếm gần 80% lượng gạo nhập khẩu của quốc gia này.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 10/2024, Philippines đã nhập khẩu tổng số 3,68 triệu tấn gạo. Con số này đánh dấu mức tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước và vượt tổng lượng gạo nhập khẩu của cả năm 2023 là 3,61 triệu tấn.
Trong đó, gạo Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu với 2,91 triệu tấn xuất khẩu sang Philippines, chiếm hơn 79% thị phần nhập khẩu của quốc đảo này.
Theo dự báo, trong những tháng cuối năm 2024, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines có thể tiếp tục tăng cao do nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng trong bối cảnh ảnh hưởng từ thiên tai đối với mùa vụ cuối năm.
Tin 2
HƠN 9000 TÀU CÁ KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG
Quỳnh Anh khai thác
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước còn tới hơn 9.300 tàu '3 không' (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Bên cạnh đó, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ngày càng tinh vi, như: Sử dụng tàu có chiều dài dưới 15m không lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), cố tình ngắt VMS khi hoạt động gần khu vực vùng biển giáp ranh; hoặc cố tình gửi, vận chuyển thiết bị VMS trên tàu khác.... Việc thực hiện quy định về đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản đến nay vẫn chưa hoàn thành khi mới có 89% tàu cá có đăng ký và được cập nhật trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNfishbase; cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn mới đạt khoảng 74,1%.
Cho đến cuối tháng 10, lực lượng chức năng mới theo dõi, giám sát được khoảng 40% hoạt động của tàu cá ra vào cảng, khoảng 30% sản lượng thủy sản khai thác được giám sát qua cảng, một số địa phương giám sát sản lượng thủy sản khai thác dưới 5%
Tin 3
BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG QUẢNG BÌNH GIÚP DÂN SAU LŨ
Tâm Phùng - Tâm Đức
Khi lũ vừa rút ở một số địa phương huyện Lệ Thủy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã điều động hơn 500 lượt đoàn viên thanh niên, cán bộ tham gia khắc phục hậu quả sau lũ lụt. Lực lượng bộ đội biên phòng tổ chức thành nhiều đội về các địa phương, trường học để dọn dẹp, làm vệ sinh, thau rửa, quét bùn trong phòng học, sân trường, trụ sở. Các cán bộ, chiến sĩ cùng thu dọn rác thải sau lũ để làm sạch môi trường ở các khu dân cư.
Lực lượng quân y đã hỗ trợ một số gia đình khử khuẩn nước giếng sau mưa lũ để sinh hoạt an toàn hơn. Các tổ quân y cũng đã đến những nơi vùng thấp trũng, đến các gia đình có người ốm để thăm khám và cấp phát thuốc điều trị cho nhân dân, đồng thời hướng dẫn bà con phòng một số bệnh thường gặp sau mưa lũ.
Tin 4
NUÔI SÒ HUYẾT TRONG VUÔNG TÔM CHO LỢI ÍCH KÉP
Văn Vũ
Những năm gần, nhiều hộ nông dân ở xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau đang phát triển mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm, với diện tích 1ha, người nuôi có thể thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhiều hộ nuôi cho biết, nuôi sò huyết trong vuông tôm rất đơn giản. Để sò mau lớn, chỉ cần lấy nước thường xuyên và phải lấy nước có phù sa để cung cấp dinh dưỡng cho sò. Đặc biệt, khi sò được 1 tháng tuổi phải xả khô nước mặt, phơi vài ngày để tiêu diệt rong cho sò bám đất và hấp thụ ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, khi nuôi sò sẽ tạo cho môi trường nước và đáy ao tôm giảm bớt ô nhiễm.
Ông Nguyễn Quốc Thống, Phó Chủ tịch UBND xã Quách Phẩm cho biết, hiện trên địa bàn xã Quách Phẩm có hàng trăm hộ nuôi sò huyết, diện tích 1.800 ha. Mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm đang mang lại lợi nhuận gấp 3 lần so với cách nuôi truyền thống. Mô hình giúp người dân tận dụng được diện tích đáy vuông để nuôi sò, mà khi nuôi sò sẽ ăn rong rêu và nhiều chất cận bản làm giảm ô nhiễm nguồn nước, từ đó tôm hạn chế dịch bệnh, mau lớn.