Gạo Việt xuất khẩu sang Trung Quốc tăng giá mạnh. Sản lượng vải thiều Bắc Giang dự kiến đạt trên 180.000 tấn. Cà Mau xây 'nhà nhân tạo' cho các loài sinh vật biển. Rau má 3.000 đồng/kg vẫn không có người mua.
GẠO VIỆT XUẤT KHẨU SANG TRUNG QUỐC TĂNG GIÁ MẠNH
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng rất mạnh trong những tháng đầu năm. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 152 nghìn tấn, trị giá 90 triệu đô la Mỹ, tăng 86% về lượng, tăng 120% về kim ngạch so với cùng kỳ 2022. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu sang Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm cũng tăng rất mạnh, đạt trung bình 589 đô la Mỹ một tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2022. Theo các doanh nghiệp, hiện khách hàng Trung Quốc đã trở nên khó tính, chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm cao cấp như gạo thơm và gạo nếp. Đó là lý do khiến giá gạo xuất khẩu bình quân vào thị trường này tăng mạnh. Bên cạnh đó, các loại gạo phổ thông và tấm của Việt Nam giá khá cao nên các thương nhân Trung Quốc chuyển sang các nguồn cung khác.Đến đầu quý 2, nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam của thương nhân Trung Quốc vẫn đang cao, nhất là với gạo nếp và gạo thơm. Gạo Việt xuất khẩu. Gạo Việt xuất khẩu.
SẢN LƯỢNG VẢI THIỀU BẮC GIANG DỰ KIẾN ĐẠT TRÊN 180.000 TẤN
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, năm nay, tổng diện tích vải thiều của địa phương là 29.700ha, tăng 1.400ha so với năm 2022. Tỷ lệ vải ra hoa đạt tương đương năm 2022, vải sớm ra hoa, đậu quả đạt trên 90%; vải chính vụ ra hoa, đậu quả đạt trên 85%. Sản lượng vải thiều toàn tỉnh dự kiến đạt trên 180 nghìn tấn.Để tiêu thụ vải thiều được thuận lợi, nhất là phục vụ xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đã chỉ đạo các vùng trồng vải duy trì các mã số vùng trồng đối với các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Thái Lan. Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 chuyển sang giai đoạn bình thường mới, các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sang Trung Quốc và các quốc gia đã được mở cửa thông thương, dự kiến sản lượng tiêu thụ xuất khẩu sẽ tăng so với năm 2022.
CÀ MAU XÂY ‘NHÀ NHÂN TẠO’ CHO CÁC LOÀI SINH VẬT BIỂN(Văn Vũ)
Sau hơn 3 năm thực hiện dự án “Thả rạn nhân tạo nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản kết hợp phát triển du lịch trên vùng biển tỉnh Cà Mau”, đã có 900 khối rạn bê tông được thả xuống biển làm nơi trú ẩn sinh sôi cho hàng trăm loài sinh vật biển.Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết: Trước đây khảo sát khu vực biển được thả rạn chỉ ghi nhận một vài loài cá, tôm thì sau khi thả rạn, nơi đây ghi nhận 78 loài, trong đó có 48 loài cá.Khu vực thả 900 khối rạn với chu vi 5,6 km ngoài khơi vùng biển Cà Mau cho thấy dự án này đã phát huy tác dụng rất tốt. Rạn nhân tạo đã giúp cho các loài sinh vật biển có nơi sinh sản và đặc biệt là có nơi trú ngụ, tránh được các ngư lưới cụ khai thác mang tính hủy diệt, từ đó khôi phục được nguồn lợi thủy sản.
RAU MÁ 3.000 ĐỒNG/KG VẪN KHÔNG CÓ NGƯỜI MUA
Công ĐiềnXã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền được xem là vựa rau má lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế với diện tích khoảng 70ha. Với diện tích rau má trên, trung bình mỗi ngày có 7-8 tấn rau đến kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, hiện đầu ra chỉ nhỏ lẻ vài tạ một ngày, chủ yếu do HTX Quảng Thọ 2 thu mua cho các xã viên để sấy khô làm nguyên liệu.Theo phản ánh của người dân, trước đây mỗi kg rau má bán được 6.000 đến 8.000 đồng, thậm chí, có thời điểm trên 15.000 đồng, thì nay chỉ bán được có 3.000 đồng cũng không có người thu mua. Số lượng rau má còn tồn đọng chiếm 85-90%. Nhiều vườn rau má đã đến kỳ thu hoạch nhưng không bán được nên nông dân đành cắt cho cá ăn hoặc ủ làm phân hữu cơ.