Người nuôi cá tra lỗ 2.000 đồng/kg, vẫn phải bán chịu cho doanh nghiệp. Công ty Trung Thắng Phát xả thải trái phép, cuộc sống người dân ngột ngạt. Giá gạo Việt 'nóng' trở lại, tiếp tục tăng 10 USD/tấn. Việt Nam xuất siêu hơn 24 tỷ USD.
Người nuôi cá tra lỗ 2.000 đồng/kg, vẫn phải bán chịu cho doanh nghiệp
Minh Phúc khai thác
Theo Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người nuôi cá tra tại ĐBSCL đang thua lỗ nặng do giá cá bán ra thấp hơn giá thành khoảng 2.000 đồng/kg, một số nơi có mức chênh lệch cao hơn. Thậm chí, người nuôi cá bán cá nhưng phải cho doanh nghiệp nợ, vì càng để cá lại nuôi sẽ càng thêm thua lỗ.
Dù các thị trường xuất khẩucá tra đang có dấu hiệu mua cá tra Việt Nam trở lại kể từ tháng 9, với đơn hàng tăng mạnh do đang bước vào mùa lễ hội cuối năm, nhu cầu tiêu thụ cá tại nhiều nước tăng trở lại.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, giá cá tra xuất khẩu vẫn đang ở mức thấp, sản lượng mua hàng chưa nhiều như kỳ vọng. Trong khi đó, một số doanh nghiệp cũng chưa vội mua cá để bán do giá xuất khẩu không cao.
Công ty Trung Thắng Phát xả thải trái phép, cuộc sống người dân ngột ngạt
Võ Văn Dũng sx
Mặc dù đi vào hoạt động nhiều năm nhưng hệ thống xử lý nước thải của nhà máy chế biến cà phê thuộc Công ty TNHH Trung Thắng Phát tại khóm 1, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có cũng như không.
Nước sản xuất chảy tràn trong nhà máy, thẩm thấu ra ngoài; một phần đổ ra bể xi măng, đẩy vào 2 hồ lắng bằng đất, không lót bạt, theo mương bê tông chảy thẳng ra hồ Nông Trường. Nguồn nước bẩn này chảy xuống suối La La, nhập vào sông Sê Pôn đi qua nhiều xã, thị trấn của huyện Hướng Hóa.
Tình trạng này đã diễn ra từ rất nhiều năm nay, người dân nhiều lần phản ánh nhưng tình hình không chuyển biến.
Được biết, năm 2021, Công ty TNHH Trung Thắng Phát từng bị UBND huyện hướng Hóa xử phạt về hành vi xả thải trái phép, yêu cầu xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường nhưng phía công ty không chấp hành.
Giá gạo Việt “nóng” trở lại, tiếp tục tăng 10 USD/tấn
Minh Phúc khai thác
Đầu tuần này, giá gạo thế giới tiếp tục “nóng” trở lại khi các nguồn cung lớn là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan đều điều chỉnh tăng từ 7-10 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong phiên giao dịch ngày 21/11, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã điều chỉnh tăng 10 USD, lên mức 663 USD/tấn. Như vậy, sau nửa tháng “đứng yên”, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã bất ngờ điều chỉnh tăng mạnh.
Ngoài gạo của Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng đã tăng 7 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 20/11, lên mức 585 USD/tấn. Trước đó, trong tuần từ 13-17/11, gạo của nước này đã điều chỉnh tăng 13 USD/tấn. Như vậy chỉ trong vòng 10 ngày, gạo Thái Lan đã tăng khoảng 20 USD/tấn. Một nguồn cung khác là Pakistan cũng điều chỉnh tăng mạnh 10 USD/tấn sau nhiều phiên liên tiếp đi ngang. Sau điều chỉnh, giá gạo 5% tấm của nước này hiện ở mức 578 USD/tấn.
Việt Nam xuất siêu hơn 24 tỷ USD
Minh Phúc khai thác
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước tính đến 15/11/2023 đạt 306 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ, nhưng mức giảm này đã được thu hẹp, cán cân thương mại xuất siêu hơn 24 tỷ USD.
Số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tính đến nửa tháng 11, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước gần chạm mốc 600 tỷ USD, trong đó doanh nghiệp FDI xuất khẩu 223 tỷ USD.
Qua gần 11 tháng, các ngành hàng xuất khẩu tạo dấu ấn tăng trưởng có gạo, rau quả, phương tiện vận tải và phụ tùng.
Số liệu thống kê ghi nhận, xuất khẩu 10 tháng của ngành hàng rau quả tăng thêm 2,08 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 1,66 tỷ USD; gạo tăng hơn 1 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 529 triệu USD và hạt điều tăng 405 triệu USD.