Tiến đến 70% hồ tiêu đạt yêu cầu mức dư lượng tối đa cho phép. Phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên 56.000 con trâu, bò. Cứu nạn thành công 39 thuyền viên gặp nạn trên Biển Đông. Chất lượng dinh dưỡng tổ yến Việt Nam ngang với Malaysia, Thái Lan.
Tổ yến việt nam
TIẾN ĐẾN 70% HỒ TIÊU ĐẠT YÊU CẦU MỨC DƯ LƯỢNG TỐI ĐA CHO PHÉP
NGUYỄN THỦY
Ngày 23/11, tại TP.HCM, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp Cục Lâm nghiệp, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị Việt Nam và IDH Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên Nhóm công tác Đối tác công tư - PPP về Hồ tiêu và Gia vị năm 2023.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đánh giá, Nhóm PPP về Hồ tiêu và Gia vị hoạt động tích cực và có hiệu quả.
Mục tiêu của Nhóm PPP về Hồ tiêu và Gia vị là phấn đấu đến năm 2025, 70% hồ tiêu sản xuất ở Việt Nam đạt yêu cầu mức dư lượng tối đa cho phép; 25% nông dân hồ tiêu tăng 20% thu nhập; 25.000 nông dân được tập huấn và tiếp cận dịch vụ nông nghiệp; 75.000 tấn hồ tiêu được sản xuất bền vững.
Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Dương, cần có sự phối hợp giữa các bên, để cùng đồng hành với nông dân và doanh nghiệp. Trong đó, vấn đề cốt lõi hiện nay là tổ chức sản xuất; tập huấn cho nông dân; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất sản xuất hồ tiêu an toàn, hồ tiêu hữu cơ, bền vững.
Phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên 56.000 con trâu, bò
PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC TRÊN 56.000 CON TRÂU, BÒ
Văn Vũ
Để chủ động phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như phối hợp với chính quyền địa phương giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch, tăng cường tiêm vacxin, tiêu độc, khử trùng.
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng, tỉnh hiện chưa ghi nhận báo cáo dịch bệnh từ các địa phương. Tuy nhiên, với tổng đàn trâu, bò trên 56.000 con, nguy cơ phát sinh dịch bệnh là rất cao nếu không chủ động giải pháp phòng ngừa ngay từ đầu thì khixayr ra dịch bệnh sẽ rất khó kiểm soát.
Vì vậy, thời gian qua ngành Chăn nuôi và Thú y từ tỉnh đến cơ sở đã phổ biến rộng rãi kiến thức phòng, chống dịch đến người chăn nuôi nhằm hạn chế ảnh hưởng khi đàn vật nuôi mắc bệnh.
CỨU NẠN THÀNH CÔNG 39 THUYỀN VIÊN GẶP NẠN TRÊN BIỂN ĐÔNG
Vũ Đình Thung
7 giờ 18 phút sáng nay, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải đã đưa toàn bộ 39 thuyền viên gặp nạn cùng tàu QNg 90251 TS về đến cầu cảng Hải đoàn Biên phòng 48 thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Trước đó, vào 18 giờ 00 phút ngày 20 tháng 11, nhận được tin báo tàu QNg 90251 TS gặp nạn tại vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đe dọa tính mạng 39 thuyền viên trên tàu, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã huy động mọi nguồn lực để cứu nạn, đồng thời điều động tàu SAR 412 lên đường thực hiện nhiệm vụ cứu nạn 39 thuyền viên.
Vượt qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt, lúc 23h21 ngày 21 tháng 11, tàu SAR 412 đã tiếp cận được vị trí tàu bị nạn và cứu nạn thành công 39 thuyền viên.
CHẤT LƯỢNG DINH DƯỠNG TỔ YẾN VIỆT NAM NGANG VỚI MALAYSIA, THÁI LAN
Các nhà khoa học thuộc Phân viện Chăn nuôi Nam bộ thuộc Viện Chăn nuôi vừa công bố kết quả nghiên cứu đối với tổ yến được nuôi tại vùng Bình Dương, Bình Phước.
Đối với hàm lượng chất dinh dưỡng trong tổ yến, kết quả phân tích cho thấy tổ yến ở các nhà yến tại 2 địa phương này có tỷ lệ vật chất khô là 84,65%, protein là 57,56%, carbohydrate là 22,81% và chất béo tổng số là 0,56%.
Đối chiếu với kết quả phân tích chất dinh dưỡng của yến nuôi tại Malaysia và Thái Lan cho thấy thành phần hóa học trung bình của tổ yến thô tương đương với chất lượng tổ yến tại Bình Dương, Bình Phước. Điều này khẳng định chất lượng tổ yến Việt Nam không thua kém so với các nước trong khu vực.
Ngành yến Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế rất cao, đặc biệt là sau khi Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc được ký kết. Việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm tổ yến sẽ tạo cơ hội lớn cho ngành nuôi chim yến và sản xuất, chế biến tổ yến của nước ta