Người dân vùng cao An Toàn trồng dược liệu, mong đổi đời. Hơn 350 người ra quân làm thủy lợi phục vụ sản xuất vụ xuân. Bức tranh làm từ gạo ST được xác lập kỷ lục Việt Nam. Trồng chè hữu cơ, giá bán cao hơn 30%.
Người dân vùng cao An Toàn trồng dược liệu, mong đổi đời
Thực hiện: Vũ Đình Thung
An toàn là vùng xã vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh Bình Định. Đời sống người dân nơi đây rất khó khăn. Qua hơn 7 năm nghiên cứu, thực nghiệm trồng dược liệu, chính quyền tỉnh Bình Định đã tìm được hướng đi thích hợp để hỗ trợ người dân thoát nghèo. Xuất phát từ điều kiện tự nhiên đặc biệt, cây dược liệu trồng tại vùng xã An toàn tích lũy được nhiều hoạt chất quý, hàm lượng dược chất cao hơn 5 - 7% so với dược điển. Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình chọn cây Chè Dây thực hiện dự án trồng dược liệu để sản xuất thuốc Nam.
Từ 6 hộ dân ban đầu, đến nay, dự án đã liên kết với 30 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với diện tích trên 50 ha cây Chè Dây. Người dân ở An Toàn đã biết cách trồng, chăm sóc Chè Dây và đó cũng trở thành nguồn thu nhập chính của bà con, mở ra hướng thoát nghèo cho người dân. Bên cạnh cây Chè Dây, Công ty cũng giúp người dân bảo tồn các trồng dược liệu bản địa khác như Lan Kim Tuyến, Bách Bộ… và di thực các loại thuốc quý về trồng thử nghiệm như: Đương quy, Đẳng sâm, Xạ đen, Cát cánh… để thực hiện chuỗi giá trị dược liệu, cùng với cộng đồng bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu an toàn.
Hơn 350 người ra quân làm thủy lợi phục vụ sản xuất vụ xuân
Thanh Nga sx
Để đảm bảo chủ động trong việc tưới tiêu sản xuất vụ xuân năm 2024, Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Bắc Hà Tĩnh phối hợp với các xã thuộc huyện Can Lộc, Nghi Xuân, Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh vừa ra quân làm thủy lợi trên các tuyến kênh chính do đơn vị quản lý.
Đợt ra quân lần này, Công ty thủy lợi Bắc Hà Tĩnh huy động hơn 350 cán bộ, người lao động thực hiện nạo vét cỏ và khơi thông dòng chảy gần 10 km kênh mương, với khối lượng hơn 350m3 đất bồi lắng và sạt lở; dọn cỏ bờ và mái kênh tại tuyến kênh C8 Đập Đình, huyện Can Lộc; tuyến kênh trạm bơm Lam Hồng, huyện Nghi Xuân và tuyến kênh C2 huyện Hương Sơn. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, công ty tiếp tục nạo vét toàn bộ tuyến kênh do đơn vị quản lý với chiều dài gần 40 km, khối lượng dự kiến 3.000 m3 đất đào đắp và 9.000 m2 bờ kênh được cắt cỏ.
BỨC TRANH LÀM TỪ GẠO ST ĐƯỢC XÁC LẬP KỶ LỤC VIỆT NAM
Văn Vũ sx
Trong khuôn khổ lễ hội Óc-om-bóc của đồng bào Khmer Nam Bộ ở Sóc Trăng năm 2023, tối ngày 22/11, bức tranh gạo với chủ đề “cây lúa Sóc Trăng xưa và nay” được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập là bức tranh lớn nhất Việt Nam làm từ gạo ST 25.
Bức tranh làm từ gạo ST lớn nhất Việt Nam có kích thước 4x7m, được chế tác từ gần 100kg gạo ST25, có độ dày 10mm, được lắp ghép từ 14 bức tranh nhỏ, mỗi bức có kích thước 1x2m, được phủ sơn chống thấm, với độ bền trên 30 năm. Bức tranh được 6 nghệ nhân làm trong thời gian 18 ngày.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Diễm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Bức tranh lớn nhất Việt Nam được làm từ gạo ST” với mục đích tôn vinh hạt gạo Sóc Trăng, đẩy mạnh liên kết phát triển kinh tế nông nghiệp tiến tới phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn tỉnh Sóc Trăng.
TRỒNG CHÈ HỮU CƠ, GIÁ BÁN CAO HƠN 30%
Quang Linh sản xuất
Thông tin tại Hội nghị sơ kết mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam năm 2023 tại tỉnh Thái Nguyên, ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên cho biết, mô hình sản xuất chè hữu cơ tại xã Phục Linh, huyện Đại Từ mới thực hiện trên diện tích 7ha, chủ yếu tại Hợp tác xã Chè Nhật Thức, nhưng đã tạo ra sự lan tỏa rất lớn đối với người dân về phương thức sản xuất chè thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng. Qua đó, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới bền vững và hướng tới một nền nông nghiệp sạch.
Bên cạnh xã Phục Linh, Trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cũng triển khai mô hình trên diện tích 40ha tại các huyện trong địa bàn tỉnh. Hộ dân tham gia được hỗ trợ phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học thảo mộc và tập huấn hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật.
Kết quả bước đầu cho thấy, giá chè hữu cơ được hợp tác xã và thương lái thua mua cao hơn 30% so với sản xuất truyền thống.