Giá heo hơi lên đỉnh 2 năm. Xu hướng nông nghiệp đô thị phát triển chậm. Xuất khẩu rau quả tăng mạnh nhưng tiềm ẩn nỗi lo. Khuyến cáo phòng bệnh trên tôm nuôi thời điểm giao mùa.
Thông thường, mùa Hè là giai đoạn thấp điểm của tiêu thụ heo hơi tại nước ta. Do đó, giá heo hơi trong giai đoạn này có xu hướng đi xuống, sau đó bật tăng vào quý 3 và 4 - là mùa cao điểm lễ hội.
Tuy nhiên, diễn biến năm nay lại khác. Ngay từ đầu năm, giá heo hơi liên tục tăng qua các các tháng. Tính đến cuối tháng 5/2024, giá heo hơi trung bình trên cả nước đạt khoảng 68.000 đồng/kg, tăng 36% so với hồi đầu năm nay. Đây cũng là vùng giá cao nhất trong 2 năm trở lại đây.
Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi bùng phát hồi cuối năm 2023. Đáng chú ý, dịch bệnh đang có dấu hiệu tái bùng phát, lan rộng, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương như Hải Phòng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Nam… với số lượng heo buộc phải tiêu huỷ ở mức lớn. Tính đến cuối tháng 5/2024, dịch tả heo Châu Phi vẫn còn ở 21 tỉnh thành chưa qua 21 ngày.
Xu hướng nông nghiệp đô thị phát triển chậm
Minh Phúc khai thác
Trong xu thế phát triển nông nghiệp đô thị, các thành phố và đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… đang hình thành các mô hình nông nghiệp đô thị, góp phần cung cấp thực phẩm sạch, tăng mảng xanh cho đô thị cũng như tạo môi trường giáo dục, giải trí lành mạnh cho cư dân thành phố.
Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa: “Nông nghiệp đô thị được xem là giải pháp khả thi để đáp ứng một phần về nhu cầu lương thực, rau quả cho người dân”.
Dù vậy, cũng cần cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, nông nghiệp đô thị chưa phát triển mạnh mà chỉ mới dừng lại ở mức độ tự phát, nhỏ lẻ ở các hộ gia đình. Họ tranh thủ thời gian rảnh canh tác quanh nhà. Hình thức sản xuất như trên không được xem là nông nghiệp đô thị.
Xuất khẩu rau quả tăng mạnh nhưng tiềm ẩn nỗi lo
Minh Phúc khai thác
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,59 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như sầu riêng, thanh long, chuối...
Có thể thấy, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường thì hoạt động xuất khẩu mặt hàng rau quả tiếp tục thuận lợi, nhu cầu tại các thị trường truyền thống tiếp tục tăng…
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Nguyễn Thanh Bình, vấn đề về chất lượng, nhất là rau quả còn chưa cao, thể hiện ở sự đồng đều của sản phẩm, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên cần có giải pháp để xử lý.
Cạnh đó, còn có hiện tượng tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được khi thị trường biến động, nhất là sầu riêng.
Khuyến cáo phòng bệnh trên tôm nuôi thời điểm giao mùa
Minh Phúc khai thác
Hiện nay, các tỉnh ĐBSCL đang thời điểm giao mùa, xuất hiện nhiều cơn mưa làm ảnh hưởng đến tôm nuôi. Ngoài việc người dân ý thức trong chăm sóc tôm nuôi, phòng ngừa dịch bệnh, ngành chuyên môn cũng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật để vụ nuôi đạt hiệu quả.
Kỹ sư Trần Thanh Dương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau, khuyến cáo: “Bà con nuôi tôm quảng canh cải tiến, siêu thâm canh phải chuẩn bị sẵn một số hoá chất như vôi, oxy hoà tan... Riêng vuông quảng canh chuẩn bị vôi, khoáng, vi sinh..., khi có mưa thì hoà vào nước tạt xuống. Kịp thời báo với cán bộ nông nghiệp ở địa phương khi có chuyển biến khác lạ trong ao tôm”.
Các hội quán, hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi tôm cần thông tin cho hội viên nắm bắt được tình hình thời tiết, để khống chế khi lượng mưa nhiều trên diện rộng.