Nghị định thư xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc sắp có hiệu lực. Giá hồ tiêu vượt 160.000 đồng/kg. Khảo sát xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ 9 nghìn tấn/năm. Sơn La chi trả dịch vụ môi trường rừng không dùng tiền mặt.
Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối năm 2023.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Nghị định thư này chính thức có hiệu lực từ ngày 12/6/2024. Đây là bước quan trọng trong việc chuẩn hóa các quy định về xuất khẩu nông sản giữa hai nước; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp truyền thống của Việt Nam nói chung và dưa hấu nói riêng sang thị trường tỷ dân.
Thực tế, việc xuất khẩu chính ngạch đối với quả dưa hấu tươi đã thực hiện từ những năm 2009 đến nay nhưng chưa có Nghị định thư nên phải đối mặt nhiều rủi ro hơn.
Giá hồ tiêu vượt 160.000 đồng/kg
Minh Phúc khai thác
Thị trường hồ tiêu tuần này cho thấy triển vọng tích cực khi không có quốc gia nào báo cáo giảm. Giá hồ tiêu đầu giờ sáng nay tiếp tục tăng 2.000 - 9.000 đồng/kg so với cùng thời điểm hôm qua, vượt ngưỡng 160.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Lắk, giá hồ tiêu hôm nay được thu mua với mức 159.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Nông, giá hồ tiêu hôm nay được thu mua với mức 161.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg.
Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ Công Thương, giá hồ tiêu trong nước đạt mức cao nhất 8 năm. Brazil và Việt Nam là hai nước quyết định nguồn cung trên toàn cầu, với sản lượng sụt giảm bởi thời tiết El Nino.
Về dài hạn trong 3-5 năm tới, lượng tiêu sản xuất ra chưa thể đáp ứng được cho nhu cầu tiêu dùng của thế giới.
Khảo sát xây dựng nhà máy sx phân bón hữu cơ 9 nghìn tấn/năm
Võ Dũng sx
UBND tỉnh Quảng Trị vừa phê duyệt kế hoạch triển khai đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Quảng Trị phấn đấu đến năm 2050 có 50% diện tích trồng trọt sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; trên 90% huyện, thành phố, thị xã xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; 100% nguồn nguyên liệu sẵn có từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, rác thải sinh hoạt,... sử dụng làm phân bón hữu cơ.
Được biết, hiện Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị đang khảo sát xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, công suất 9 nghìn tấn/năm tại Khu công nghiệp Quán Ngang huyện Triệu Phong.
Sơn La chi trả dịch vụ môi trường rừng không dùng tiền mặt
Quang Dũng sx
15 năm qua, tổng thu dịch vụ môi trường rừng của Sơn La đạt trên 2.200 tỷ đồng, trung bình mỗi năm trên 150 tỷ đồng. Tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2009-2024 đạt 2.065 tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng để Sơn La nâng độ che phủ lên 47,5%, cao hơn bình quân cả nước 5,48%. Địa phương này cũng đẩy mạnh việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng không dùng tiền mặt, đến nay đã có 39.700 chủ rừng được thanh toán qua tài khoản, chiếm tỷ lệ 96,8% tổng số chủ rừng; số tiền chi trả không dùng tiền mặt đạt 99,43%. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có hơn 1.000 chủ rừng là cộng đồng bản thực hiện xây dựng quy chế sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, vượt 541,9% so với kế hoạch.