Giá lúa neo cao, nông dân ĐBSCL tất bật thu hoạch vụ đông xuân. 708 mã số vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc. Cả nước có hơn 1.600 xã nông thôn mới nâng cao. Chuẩn bị xuất khẩu phân bón chất lượng cao vào thị trường khó tính.
Giá lúa neo cao, nông dân ĐBSCL tất bật thu hoạch vụ đông xuân
Minh Phúc khai thác
Dù không khí Tết vẫn còn rộn ràng, nhưng tại nhiều đồng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, người dân đang nhộn nhịp thu hoạch vụ Đông Xuân.
Theo nông dân ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, hơn 1 tháng trước, thương lái đặt cọc thu mua lúa với giá 10.000 đồng/kg. Tình hình giá lúa biến động theo hướng sụt giảm, đến thời điểm thu hoạch, bà con bán được 9.200 đồng/kg. Mặc dù giá giảm, song với giá này người trồng lúa vẫn thu lãi cao.
Hiện tại, Ấn Độ, là quốc gia cung ứng tới hơn 40% lượng gạo xuất khẩu của toàn thế giới vẫn chưa có dấu hiệu mở cửa trở lại. Đây là cơ hội lớn cho các nhà cung cấp gạo đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.
Đánh giá tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2024, ông Phạm Thái Bình - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) dự báo, năm 2024, gạo của Việt Nam vẫn tăng trưởng vì xu thế thiếu nguồn cung trên thế giới hiện vẫn chưa chấm dứt, các thị trường lớn như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc và một số thị trường truyền thống khác của Việt Nam hiện nay nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam vẫn rất nhiều.
708 mã số vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc
Minh Phúc khai thác
Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục hải quan Trung Quốc công bố, Việt Nam hiện có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu. Trong đó, có 708 mã số vùng trồng được cấp phép.
Về cơ sở đóng gói, hiện có 22 địa phương có mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Trong đó, Tiền Giang là địa phương có số lượng mã số cơ sở đóng gói nhiều nhất, với 67 mã số; Cần Thơ, Tây Ninh và Hậu Giang mỗi địa phương có 1 mã số.
Việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói ngoài việc giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, còn đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thể hiện trách nhiệm trong sản xuất của nước xuất khẩu.
Cả nước có hơn 1.600 xã nông thôn mới nâng cao
Minh Phúc khai thác
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũy kế đến đầu tháng 2-2024, cả nước có 6.370/8.167 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã.
Trong đó, có 1.623 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 263 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 272 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, có 20 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Các tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (“Mỗi xã một sản phẩm”). Qua đó, công nhận 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên với 5.724 chủ thể tham gia.
CHUẨN BỊ XUẤT KHẨU PHÂN BÓN CHẤT LƯỢNG CAO VÀO THỊ TRƯỜNG KHÓ TÍNH
Nguyên Huân (tin PR)
Trong không khí những ngày đầu năm mới 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau phấn khởi, khẩn trương chuẩn bị lô hàng phân bón chất lượng cao để chính thức xuất khẩu sang các thị trường khó tính của thế giới là Úc và New Zealand.
Đây là tín hiệu khả quan thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm cao của Phân bón Cà Mau để từng bước đưa sản phẩm thâm nhập và vươn ra thị trường lớn.
Năm 2023, Phân bón Cà Mau đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi giá nguyên liệu tăng, giá phân bón giảm, nhu cầu tiêu thụ trong nước thấp, cạnh tranh quyết liệt với phân bón nhập khẩu. Tuy nhiên, Phân bón Cà Mau lại mở rộng xuất khẩu sản phẩm, góp phần gia tăng doanh thu.
Tính đến nay, sản phẩm của Phân bón Cà Mau đã có mặt tại khoảng 18 quốc gia trên thế giới, sản lượng xuất khẩu năm 2023 đạt 344 nghìn tấn, chiếm khoảng 26% tổng sản lượng tiêu thụ, giá trị xuất khẩu đạt 136 triệu USD, chiếm khoảng 25% doanh thu các sản phẩm phân bón. Trong đó, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất với sản lượng và giá trị xuất khẩu chiếm hơn 60%.