Giá phân bón nhập khẩu giảm mạnh. Lốc xoáy làm sập và tốc mái nhiều nhà dân. Sản xuất nông nghiệp tạo giá trị 8.100 tỷ đồng cho Thái Nguyên. Nông lâm sản góp 6 sản phẩm công nghiệp chủ lực của Bắc Kạn.
GIÁ PHÂN BÓN NHẬP KHẨU GIẢM MẠNH
Quang Dũng – Khai thác
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6 cả nước nhập khẩu 415.200 tấn phân bón, tương đương 131 triệu USD, tăng mạnh 79,4% về lượng, tăng 21,9% kim ngạch so với cùng kỳ. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2023 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt trên 1,7 triệu tấn, trị giá trên 589 triệu USD, giảm 4,4% về lượng, giảm 30,4% về trị giá. Giá phân bón nhập khẩu 6 tháng trung bình 346 USD/tấn, giảm 27,3% về giá so với 6 tháng năm 2022.
Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 50,2% trong tổng lượng và chiếm 46,5% trong tổng trị giá nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 854.000 tấn, tương đương 274 triệu USD, tăng 1,9% về lượng, nhưng giảm 20,6% về trị giá so với cùng kỳ.
LỐC XOÁY LÀM SẬP VÀ TỐC MÁI NHIỀU NHÀ DÂN
Văn Vũ - Sản xuất
Những ngày qua, trên địa bàn huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, liên tục có mưa lớn kéo dài kèm theo lốc xoáy đã làm sập và tốc mái nhiều nhà dân, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Theo báo cáo của Phòng NN và PTNT huyện U Minh, trên địa bàn có 29 căn nhà bị sập và 29 căn tốc mái, tổng ước thiệt hại với số tiền là trên 429 triệu đồng. UBND huyện U Minh đã thành lập nhiều đoàn đến thăm hỏi các gia đình có nhà bị sập và tốc mái để có hỗ trợ bước đầu. Riêng các hộ dân có nhà bị ngập, các xã đang thống kê thiệt hại đồng thời vận động người dân và các lực lượng dân quân tự vệ dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống.
SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TẠO GIÁ TRỊ 8.100 TỶ ĐỒNG CHO THÁI NGUYÊN
Quang Linh - Sản xuất
Sáng 19/7, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XIV khai mạc kỳ họp thứ 13, nhiệm kỳ 2021-2026. Kỳ họp sẽ diễn ra liên tục trong 3 ngày từ ngày 19 đến 21 tháng 7.
Theo báo cáo của HĐND tỉnh, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm ước đạt 5,17%, còn giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 8.102 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phát biểu tại kỳ họp, ông Phạm Hoàng Sơn, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh, 2023 là năm bản lề thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Do đó, các đại biểu cần nêu cao tinh thần dân chủ, trách nhiệm, khách quan đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau qua báo cáo thẩm tra của các ban. Qua đó, HĐND tỉnh sẽ xác định những chủ trương, quyết sách đúng đắn, sát với tình hình thực tiễn, phát huy hiệu quả nguồn lực trong đầu tư, đáp ứng niềm tin và sự mong đợi của cử tri.
NÔNG LÂM SẢN GÓP 6 SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC CỦA BẮC KẠN
Ngọc Tú - Sản xuất
Theo quyết định của UBND tỉnh Bắc Kạn vừa ban hành, từ nay đến năm 2030, địa phương này có 11 sản phẩm công nghiệp chủ lực. Trong đó, riêng lĩnh vực chế biến nông, lâm nghiệp đóng góp 6 sản phẩm gồm: Sản phẩm Ván dán; Đũa gỗ; Miến dong; Cucurmin nghệ, tinh bột nghệ; Chè shan tuyết và sản phẩm Rượu trắng men lá. Hầu hết những sản phẩm này đều đã đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên, riêng miến dong có sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia và đã xuất khẩu sang châu Âu, sản phẩm rượu men lá đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh Bắc Kạn được xác định dựa trên 5 tiêu chí: Được sản xuất bởi doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn; Sản phẩm phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh; Ưu tiên các sản phẩm có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quốc tế; Sản phẩm áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến có khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.