Giá heo liên tục tăng do nguồn cung giảm. Dưa lưới công nghệ cao vào mùa thu hoạch đầu năm. Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng mạnh. Việt Nam chi 1,5 tỷ USD nhập rau, quả từ Mỹ và Trung Quốc.
DƯA LƯỚI CÔNG NGHỆ CAO VÀO MÙA THU HOẠCH ĐẦU NĂM
Minh Sáng thực hiện
Sau Tết Nguyên đán, nhiều nông dân của HTX dưa lưới An Farm, xã Suối Rao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và 8 Farm thành viên liên kết với HTX đang tất bật vào vụ thu hoạch dưa lưới công nghệ cao đầu năm nhằm kịp đáp ứng đơn đặt hàng. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc HTX dưa lưới An Farm, mùa Tết luôn là vụ quan trọng nhất đối với người trồng dưa lưới. Lứa dưa đầu năm của An Farm được trồng từ trước Tết, với diện tích 2000 m2, sau hơn 2 tháng bắt đầu cho thu hoạch, cho sản lượng trên 10 tấn dưa, bán với giá từ 38 đến 40 ngàn đồng/kg. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên giảm được chi phí và kiểm soát sâu bệnh tốt hơn. Đặc biệt, giảm tới 70% lượng thuốc BVTV trên cây trồng, tạo ra sản phẩm dưa lưới chất lượng và an toàn, mẫu mã đẹp, độ đồng đều cao mà vẫn tăng năng suất. Đây được xem là một trong những mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao có quy mô lớn nhất ở địa phương, cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các vùng lân cận, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.
GIÁ HEO LIÊN TỤC TĂNG DO NGUỒN CUNG GIẢM
Thảo Phương tổng hợp
Sau Tết, thịt heo liên tục tăng giá. Giá mặt hàng này tăng đã kéo theo hàng loạt quán ăn tăng giá theo. Giá heo tăng khiến sức mua giảm, tiểu thương kinh doanh khó khăn.
Cụ thể, sau Tết Nguyên đán 2025 đến nay, thịt heo liên tục tăng giá nhưng sản lượng về chợ đầu mối TPHCM lại giảm. Như tại chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn) chỉ đạt khoảng 2.900 – 3.000 con/ngày (giảm 50% so với trước Tết).
Giá heo hơi ở phía Nam đã tăng lên mức 74.000 - 75.000 đồng/kg; giá heo mảnh cũng tăng lên 94.000 - 95.000 đồng/kg, thậm chí tới 100.000 đồng/con với loại ngon. Thịt heo pha lóc với đùi rọ, cốt lết 90.000 đồng/kg, giò 65.000 - 75.000 đồng/kg, nạc dăm 120.000 đồng/kg...
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nguyên nhân là do chủ trương di dời hàng ngàn cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư và không phù hợp quy hoạch, nên tổng đàn chăn nuôi trên địa bàn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt khác, ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo châu Phi cũng khiến nhiều cơ sở chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ, bị thiệt hại và ngừng hoạt động. Ông Đoán cũng nói rằng, giá heo hơi chỉ cần ở mức 63.000 - 65.000 đồng/kg là đã đủ để đảm bảo lợi nhuận tốt cho người nuôi. Với giá tốt như hiện nay, kỳ vọng người chăn nuôi sẽ nhanh chóng tái đàn.
XUẤT KHẨU SẦU RIÊNG SANG TRUNG QUỐC TĂNG MẠNH
Thảo Phương tổng hợp
Theo Tổng cục Hải quan, sầu riêng là một mặt hàng đóng vai trò quan trọng, chiếm 45% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 2024, với khối lượng đạt 9.190.000 tấn, giá trị thu về hơn 3,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 46% về lượng và tăng 43% về giá trị so với năm 2023.
Năm 2020, giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ có 116 triệu đô la Mỹ nhưng đến 2024, con số này lên đến 3,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 28 lần. Nguyên nhân chính là do mặt hàng này được xuất khẩu chính ngạch từ tháng 9-2022.
Như vậy, chỉ trong 5 năm trở lại đây, xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh, tăng khoảng 28 lần, từ 116 triệu đô la Mỹ vào năm 2020 lên 3,2 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng mạnh từ năm 2023, sau khi Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch.
VIỆT NAM CHI HƠN 1,5 TỶ USD NHẬP RAU QUẢ TỪ MỸ, TRUNG QUỐC
Thảo Phương tổng hợp
Theo số liệu của cơ quan hải quan, năm 2024, Việt Nam chi hơn 2,4 tỷ USD mua rau quả từ các nước, tăng 24% so với cùng kỳ 2023. Trung Quốc và Mỹ có lượng xuất khẩu rau quả sang Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất. , nho, hạt dẻ cười, hạnh nhân là các mặt hàng chính được nhập khẩu nhiều nhất tại các nước trên.
Cụ thể, Việt Nam chi gần 1 tỷ USD nhập rau quả Trung Quốc, tăng 25% so với 2023. Mức mua mặt hàng này từ Mỹ là 544 triệu USD, tăng 64% - mức cao nhất trong 16 thị trường. Tính chung rau quả Việt Nam mua từ hai thị trường này đạt trên 1,5 tỷ USD trong năm 2024. Theo các doanh nghiệp, nông sản từ Trung Quốc và Mỹ tăng mạnh nhờ các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ, với nhiều ưu đãi thuế, giảm rào cản kỹ thuật.