Tốc độ đô thị hóa nhanh, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao mà giá mua sữa thấp… khiến người chăn nuôi bò sữa tại huyện Củ Chi bỏ chuồng, chuyển sang nghề khác.
Hộ nuôi và đàn bò sữa tại Củ Chi đều giảm sâu
Tốc độ đô thị hóa nhanh, giá thức ăn tăng cao mà giá mua sữa thấp… khiến người chăn nuôi bò sữa tại huyện Củ Chi bỏ chuồng, chuyển sang nghề khác.
Chỉ mới khoảng hơn 5 năm về trước, đàn bò sữa này của anh Trần Minh Hòa đã giúp cho gia đình có được cuộc sống no đủ. Chỉ riêng tiền bán sữa, mỗi tháng anh Hòa cũng thu được khoảng vài chục triệu đồng. Thế nhưng giờ đây, chính đàn bò này trở thành gánh nặng của gia đình anh Hòa khi càng nuôi càng lỗ vốn. Nguyên nhân là do giá thức ăn ngày càng tăng cao và không ổn định.
Phỏng vấn anh Trần Minh Hòa, Ấp 3, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM: Hồi đó là một tuần sữa của em là khoảng được 15 triệu đồng nhưng mà chi phí thức ăn thì khoảng cỡ 5 triệu và thu nhập mình cũng được 10 triệu. Còn giờ thì 15 triệu thì thức ăn nó hết 10 triệu rồi, còn 5 triệu thì chi phí các thứ thôi. Chứ nuôi ăn theo thì nuôi không có nổi nên càng ngày càng giảm bò là vậy.
Xã Tân Thạnh Đông từng được coi là điểm nóng về chăn nuôi bò sữa tại Củ Chi, đỉnh điểm toàn xã có đến 20.000 con bò với 1.600 hộ chăn nuôi. Bò sữa mang lại cuộc sống khấm khá cho các hộ chăn nuôi, cho thu lãi vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Thế nhưng, sau khoảng 7 năm, tổng đàn tại địa phương này ước chỉ còn hơn 10.000 con, với 400 hộ nuôi. Giá thức ăn chăn nuôi quá cao, giá sữa không ổn định khiến người nuôi bò sữa lỗ, nợ đọng.
Phỏng vấn Ông Lê Hoàng Kết, Hội Nông dân xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM: Vấn đề chăn nuôi bò nhỏ lẻ không còn nữa, bây giờ còn là nuôi nhiều, nuôi từ số lượng mấy chục con không chứ không có nuôi mà 5-7 con nữa. Tại vì giá sữa thì nói là mười mấy ngàn nhưng mà ít khi nào đạt được lắm. Bên cạnh đó giá thức ăn thì liên tục tăng, hèm bia, sác mì... cái nào cũng lên giá hết. Chăn nuôi nếu mà không có đất thì đi mua cỏ rồi chắc người ta nghỉ hết rồi, chỉ có đất nhà với người ta trồng cỏ rồi thì nó đỡ. Thành ra người ta nản, nghỉ nhiều và chuyển sang nghề khác nhiều lắm.
Thống kê của Phòng Kinh tế Củ Chi, năm 2018, trên địa bàn huyện có gần 4.900 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng đàn là hơn 68.000 con. Tuy nhiên, hiện tổng đàn và số hộ chăn nuôi bò sữa đã giảm xuống phân nửa.
Điều này phù hợp với xu hướng chăn nuôi bò sữa của TP.HCM là giảm đàn và tăng chất lượng. TP.HCM đang phát triển nông nghiệp đô thị nên mật độ chăn nuôi sẽ được điều tiết phù hợp, thêm vào đó, chăn nuôi ứng dụng cơ giới hóa, khuyến khích đầu tư trang trại chăn nuôi kín, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh môi trường.
Phỏng vấn Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM: Chúng tôi sẽ chuyển đổi sang quy mô nuôi công nghiệp và sản xuất tập trung. Chúng ta sẽ quy hoạch những vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi với mật độ chăn nuôi cao. Chúng ta vẫn đảm bảo được số lượng chăn nuôi, làm sao cho nó đạt được nhu cầu của Thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn đảm bảo được tất cả những yếu tố liên quan tới an toàn sinh học, an toàn thực phẩm…
Ngành nông nghiệp TP.HCM cũng khuyến khích những hộ nông trại có quy mô nhỏ lẻ, kém hiệu quả chuyển sang các mô hình sản xuất nông nghiệp khác phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế hộ gia đình và đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường.