| Hotline: 0983.970.780

Dịch chuyển ở thủ phủ bò sữa Củ Chi: [Bài 1] Vì đâu nhiều nông dân bỏ cuộc?

Thứ Tư 05/04/2023 , 09:05 (GMT+7)

Từng là thủ phủ nuôi bò sữa của TP. HCM, đến nay số hộ nuôi, lượng bò sữa tại Củ Chi đều giảm sâu, nhiều người dân huyện này hết mặn mà với bò sữa?

Nhiều chuồng trại nuôi bò bị bỏ trống tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Ảnh: Lê Bình

Nhiều chuồng trại nuôi bò sữa bị bỏ trống tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Ảnh: Lê Bình.

Chuồng trống hàng loạt

Đến xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi), ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là những chuồng trại bò sữa bỏ hoang, cây cối mọc um tùm. Hơn 2 năm trước, những chuồng trại này từng nuôi đàn bò sữa lên tới hàng trăm con, cho thu hàng tấn sữa tươi mỗi ngày.

Nhiều hộ nông dân khác linh hoạt, đã kịp chuyển đổi, biến những chuồng bò thành nơi nuôi heo, gà để kịp thích ứng với tình hình. Thậm chí, có hộ tận dụng diện tích chuồng trại để tu sửa, cải tạo thành phòng trọ cho thuê.

Xã Tân Thạnh Đông thời điểm năm 2014 từng được coi là điểm nóng về chăn nuôi bò sữa tại Củ Chi, đỉnh điểm toàn xã có đến 20.000 con bò với 1.600 hộ trực tiếp chăn nuôi.

Con bò sữa không chỉ mang lại cuộc sống khấm khá cho các hộ chăn nuôi mà còn tạo công việc và thu nhập ổn định cho hàng ngàn hộ trồng cỏ nuôi bò. Với mô hình nuôi từ 5-10 con bò sữa, người nông dân sẽ có lãi vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Thế nhưng, sau gần 10 năm, tổng đàn tại địa phương này ước chỉ còn hơn 10.000 con, với 400 hộ nuôi. Số mô hình còn nuôi trên 30 con/mô hình chỉ còn chưa đến 8%. Giá thức ăn chăn nuôi quá cao, giá sữa không ổn định khiến người nuôi bò sữa lỗ, nợ đọng.

Khi PV Báo Nông nghiệp Việt Nam liên hệ lại các mô hình từng đạt giải cao tại “Hội thi - triển lãm bò sữa TP. HCM lần 6 (năm 2018)”, khá bất ngờ, phần lớn những hộ chăn nuôi này đã nghỉ nuôi bán với cùng lý do: thua lỗ, không đủ tiền mua thức ăn!

Ông Lê Hoàng Kết, Chi hội trưởng Chi hội nông dân Ấp 3A, xã Tân Thạnh Đông cho biết, các mô hình nuôi bò sữa nhỏ lẻ tại địa bàn gần như không còn, do chi phí chăn nuôi quá cao.

“Trên địa bàn ấp gần như không còn mô hình bò sữa dưới 10 con. Nhiều người phải bán tháo để trả nợ sau thời gian dài nuôi bò không hiệu quả. Ai may mắn thì kịp thời chuyển sang mô hình nuôi trồng khác, nhưng đa số bỏ trống chuồng bò rồi đi làm công ty”, ông Kết thông tin.

Thống kê của Phòng Kinh tế Củ Chi, năm 2018, trên địa bàn huyện có 4.848 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng đàn là 68.082 con (trong đó có 17.066 con bò sữa đực, 16.972 con bò sữa cái tơ, 27.858 con bò sữa sinh sản) năng suất sữa bình quân 5.000kg/con/chu kỳ. Bên cạnh đó, có 4.208 hộ chăn nuôi bò thịt với tổng đàn là 22.827 con với diện tích cỏ trồng chiếm khoảng 3.540,18ha/tổng diện tích đất nông nghiệp.

Hoạt động chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện chủ yếu chăn nuôi ở quy mô nông hộ và trang trại nhỏ. Trong đó, có 2.042 hộ chăn nuôi với quy mô từ 1-9 con, 1.722 hộ chăn nuôi với quy mô từ 10-19 con, 1.023 hộ chăn nuôi với quy mô từ 20-49 con,61 hộ chăn nuôi với quy mô từ 50 con trở lên nên việc đầu tư phát triển sản xuất, cơ giới hoá, ứng dụng khoa học tiến bộ trong chăn nuôi gặp nhiều hạn chế.

Lượng đàn bò sữa tại huyện Củ Chi trong 2 năm nay giảm sâu do người dân gặp khó khăn chồng chất khi chăn nuôi bò. Ảnh: Lê Bình

Đàn bò sữa tại huyện Củ Chi 2 năm nay giảm sâu do người dân gặp khó khăn chồng chất khi chăn nuôi bò. Ảnh: Lê Bình.

Bỏ cuộc vì bò ăn... sổ đỏ

Đó là câu cửa miệng mà người dân Củ Chi nói về thất bại với việc nghề nuôi con bò sữa. Giá sữa bò bán thấp hơn so với chi phí chăn nuôi, nghĩa là bò sữa tự ăn chính mình. Thậm chí, bò còn “ăn” cả đất, sổ đỏ… Chưa kể công sức của người nuôi bò, chia phí vận hành khác coi như công cốc. Thế nên, bỏ cuộc là lựa chọn duy nhất đối với hàng ngàn hộ nuôi bò sữa Củ Chi.

Báo cáo tại Hội nghị “Phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2023”, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) nêu rõ: Giá thức ăn chăn nuôi nói chung tiếp theo đà tăng giá từ giữa năm 2020, tăng mạnh từ đầu năm 2022 đến đầu tháng 7/2022 do giá nguyên liệu thế giới tăng cao đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi khi chi phí sản xuất tăng cao, ngành chăn nuôi cũng chịu nhiều thiệt hại do chi phí vận chuyển, cung ứng thực phẩm tăng cao, lợi nhuận người chăn nuôi giảm.

Ngoài ra, tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi tương đối nhanh trong thời gian qua nhưng lại phát triển thiếu bền vững, biến động mạnh về tổng đàn, sản lượng, giá cả, lợi nhuận của người chăn nuôi và lợi ích của người tiêu dùng.

Anh Trần Minh Hòa, chủ trang trại bò 30 con lắc đầu ngao ngán khi nói về giá thức ăn cho bò sữa: "Chỉ tính riêng tiền thức ăn, mỗi tuần gia đình anh phải tốn thêm vài triệu đồng do giá thức ăn cho bò tăng lên quá cao. Hèm trước đây có giá khoảng 55.000 đồng/bao nhưng giá hiện tại đã lên hơn 70.000 đồng/bao, xác mì tăng khoảng 15.000 mỗi bao so với trước đây, tiền cám cũng tăng khoảng 100.000 đồng mỗi bao".

Giá sữa thất thường cũng chính là nguyên nhân khiến người nuôi bò sữa không còn mặn mà. Mặc dù giá niêm yết được thông báo là 16.000 đồng/ lít nhưng thực tế rất khó để đạt được mức này. Ông Lê Hoàng Kết Chi hội trưởng Chi hội nông dân Ấp 3A, xã Tân Thạnh Đông phân tích, chỉ cần 1 trong 4 núm vú của bò có vấn đề, nếu người nuôi bò lỡ vắt chung với núm còn lại hoặc với con bò khác thì cũng bị tính là không đạt chuẩn. Sữa bò lúc này chỉ còn được thu mua với giá là 10.000 đồng/lít, thậm chí không được duyệt. Oái oăm thay, nếu phát hiện sữa bò nhiễm khuẩn thì trong 2 tuần liên tiếp, mức giá sữa của hộ nuôi đó chỉ được tính là 10.000 đồng.

Trước đây, để hợp thức hóa với đầu mối thu mua sữa, nhiều hộ đã lén lút mang bò của mình sang nhà hàng xóm đã ký hợp đồng với nhà máy để gửi bán dùm. Thế nhưng, nếu bị phát hiện sẽ lập tức cắt ngay hợp đồng với hộ cho gửi bò.

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hoá nhanh, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dẫn đến diện tích đồng cỏ bị thu hẹp dần; từ đó, ảnh hưởng đến việc phát triển đàn bò sữa (cần diện tích xây dựng chuồng trại, diện tích trồng cỏ,...), nhất là việc cân bằng dinh dưỡng trong khẩu phần bò sữa trong nông hộ (sử dụng nhiều thức ăn tinh, hèm bia, xác mì nhưng thiếu cỏ). Đồng thời, việc chăn nuôi trong khu dân cư và những nơi không đúng quy hoạch đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt hằng ngày của người dân xung quanh.

Theo UBND Củ Chi, định hướng của huyện là giảm lượng bò sữa và duy trì phát triển đàn bò thịt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo năng suất sữa bình quân 6.500kg/chu kỳ, sản lượng sữa hàng năm đạt khoảng 200.000 tấn.

Từ năm 2018, huyện Củ Chi đã bắt đầu triển khai chương trình "Phát triển đàn bò bền vững trên địa bàn giai đoạn 2018-2022", từ đó hình thành ngành chăn nuôi bò có tính bền vững. Để nâng cao giá trị kinh tế trong chăn nuôi bò sữa ở TP. HCM, bên cạnh các giải pháp như: Tái cơ cấu đàn bò sữa, chuyển giao quy trình chăn nuôi an toàn, chuyển giao công nghệ, con giống chất lượng… thành phố phải thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong chăn nuôi bò sữa.

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm