Chủ động nguồn thức ăn
Trước tình hình giá thức ăn tăng cao, anh Trần Minh Hòa tại ấp 3, xã Tân Thạnh Đông nhiều năm nay đã chủ động thuê miếng đất rộng 2ha gần nhà để trồng cỏ. Nhờ tận dùng nguồn nước tiểu của phân bò và nước thải vệ sinh chuồng trại… vườn cỏ của anh Hòa luôn tươi tốt, cung cấp đủ thức ăn cho đàn bò sữa 30 con của gia đình.
“Miếng đất này tôi thuê của người thân với giá 10 triệu đồng/năm, gần như không mất chi phí phân bón hay tưới tiêu. Tôi cắt cỏ theo từng khu, đủ cho bò ăn trong 1 ngày và xoay vòng trong tháng”, anh Trần Minh Hòa chia sẻ.
Lợi thế miếng đất thuê gần nhà, anh Hòa đã đào đường mương dẫn nước tới các hướng của mảnh đất. Mương dẫn này làm nhiệm vụ phân bổ nước tiểu bò và nước vệ sinh chuồng trại tới các khu vực được đều đặn, liên tục. Nhờ đó, cỏ nuôi bò của anh Hòa luôn được tươi tốt.
Anh Hòa cho hay, phân bò được anh thu gom thường xuyên, bán cho các thương lái. Số phân còn sót lại, vợ chồng anh xịt rửa thường xuyên nên hầu như không còn mùi tanh hôi, lượng phân thải ra môi trường cũng vừa phải, không ảnh hưởng nhiều.
“Mỗi năm, tiền bán phân bò của nhà tôi dao động từ 10-15 triệu đồng. Tiền này cũng đủ cho tôi chi trả tiền thuê đất, không ảnh hưởng đến quỹ tiền tái đàn theo kế hoạch”, anh Hòa cho biết thêm.
Còn ông Huỳnh Hiệp Sỹ (xã Tân Thạnh Đông), với đàn hơn 100 con bò sữa, ông lại chọn cách nhập số lượng lớn thức ăn (thức ăn tinh, hèm bia, xác mì...) từ công ty. Số thức ăn này, ông chia với những hộ chăn nuôi khác trong xóm hoặc bán lại cho những người có nhu cầu.
Về lợi ích chung, ông Sỹ và các hộ khác sẽ mua được thức ăn giá rẻ so với thị trường, còn về lợi ích cá nhân công ty sẽ thưởng cho gia đình về doanh số vào mỗi cuối năm. Nhờ lợi ích kép này mà ông Huỳnh Hiệp Sỹ thường xuyên duy trì đàn bò khoảng 100 con trong thời buổi chăn nuôi khó khăn chồng chất.
“Nhờ việc lấy số lượng lớn, tôi lấy được thức ăn nuôi bò giá cực tốt. Thử nghĩ, 100 con bò riêng tiền thức ăn cũng hết vài triệu/ngày, nhiều khi tiền sữa bán ra còn không đủ để chúng ăn”, ông Hiệp Sỹ tâm sự.
Ngoài việc chủ động nguồn thức ăn, tiết kiệm chi phí thì ông Huỳnh Hiệp Sỹ còn áp dụng nhiều biện pháp khác nhằm tối ưu hóa chăn nuôi như nuôi heo, gà kết hợp. Trung bình mỗi tháng, trang trại của ông Sỹ chào đón 1-2 chú bê. Thay vì bán bê non, ông chủ động nuôi con giống để nâng đàn, tái đàn.
Linh hoạt các biện pháp “lấy ngắn nuôi dài”
Theo bà Lê Ngọc Sương, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Củ Chi, giá nguyên liệu đầu vào như các loại thức ăn hỗn hợp, thức ăn thô xanh và các loại phế phẩm, vật tư chăn nuôi, thuốc thú y, xăng dầu không ổn định, luôn trong tình trạng tăng cao, làm giá thành sản xuất bình quân cao, giảm hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Đó cũng là bài toán mà các hộ chăn nuôi cần phải tự tìm bài giải, phát triển chăn nuôi bền vững.
Tại ấp Thượng, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi nhiều ruộng ngô sinh khối đang được trồng với mục đích làm thức ăn cho bò sữa. Thay vì trồng cỏ voi truyền thống để làm thức ăn cho bò, nhiều bà con nuôi bò sữa nơi đây dần chuyển sang trồng ngô sinh khối, với 3-4 vụ/năm. Ngoài thu hoạch để lấy hạt lúc bắp ngô đã chín hoàn toàn, cây ngô thu hoạch làm thức ăn cho gia súc ở giai đoạn bắp ngô chín sáp sẽ đảm bảo độ mềm, giàu dinh dưỡng và sự ngon miệng cho vật nuôi.
Gắn bó với nghề chăn nuôi bò sữa lâu năm, anh Nguyễn Trọng Đình (ngụ ấp Xóm Trại, xã An Nhơn Tây) đã mạnh dạn loại thải những con bò có năng suất sữa thấp, phối giống nhiều lần không đậu thai và chỉ giữ lại những bò cái sữa cho năng suất sữa thấp nhưng khả năng sinh sản tốt để phối tinh bò thịt cao sản. Ngoài ra, anh thực hiện cải tạo chuồng trại thông thoáng, thiết lập sân chơi cho bò vận động.
Có hỗ trợ từ thành phố, anh Vũ mạnh dạn trang bị máy móc hiện đại như máy vắt sữa, thiết bị rửa máy vắt sữa, máy băm xắt cỏ, máy cắt cỏ cầm tay, máy trộn thức ăn TMR, hệ thống làm mát chuồng trại, xây dựng hầm biogas 12 m3 để xử lý chất thải và tận dụng chất đốt, trồng thâm canh các giống cỏ có chất lượng cao. Đồng thời, trồng bắp để ủ chua và bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày của đàn bò.
Do giá cả sữa bò thất thường, nhất là trong bối cảnh giá thức ăn tăng cao, anh Nguyễn Quốc Bảo (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) đã chủ động tạo thương hiệu sữa bò cho mình trên mạng xã hội. Hiện, anh Bảo đang nuôi 9 con bò sữa. Lượng sữa vắt ra mỗi ngày, anh bán cho các mối dưới 2 dạng: sữa tươi và thanh trùng được bảo quản lạnh. Giá bán mỗi lít sữa thành phẩm từ 25.000 - 30.000 đồng, vẫn cao hơn nhiều so với giá bán tại các điểm thu mua.
“Tất nhiên là mình phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn cao nhất như bán cho công ty. Người tiêu dùng bây giờ kinh nghiệm lắm, hàng không đảm bảo sẽ khó lòng buôn bán lâu dài. Khó khăn lớn nhất là kiếm được mối mua hàng, đặc biệt là lâu dài. Tuy nhiên, chỉ cần hàng đảm bảo chất lượng và giá thành phải chăng thì vẫn còn rất nhiều người có nhu cầu mua”, anh Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ.
Thống kê của UBND huyện Củ Chi cho biết, trên địa bàn huyện có 2.373 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng đàn bò sữa cái là 39.112 con. Tuy giảm về số lượng hộ nuôi và bò sữa nhưng tỉ lệ vẫn ở mức cao so các địa phương.
Việc duy trì bò sữa Củ Chi ở mức 39.000 con nhưng sản lượng sữa vẫn đạt 300 tấn/ngày, tương đương so với sản lượng trước đây. Điều đó minh chứng hiệu quả trong việc áp dụng các biện pháp, chuyển đổi để phù hợp hơn với tình hình mới.
Theo ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, lãnh đạo địa phương xác định: Với phương phướng chăn nuôi mới và ổn định, các mô hình này sẽ tạo thu nhập ổn định cho người chăn nuôi và nâng cao tính cạnh tranh của sữa nguyên liệu trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đồng thời, người chăn nuôi bò sữa cũng được hưởng lợi lớn nhờ giảm tối đa chi phí trung gian và từng bước hiện đại hóa các khâu chăn nuôi.
“Bò sữa Củ Chi vẫn được xác định vai trò là trung tâm cung cấp giống bò sữa cao sản cho khu vực và các tỉnh lân cận, đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong chăn nuôi bò sữa, bảo đảm cung cấp sản phẩm an toàn sữa tươi cho người tiêu dùng”, ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi nhấn mạnh.