| Hotline: 0983.970.780

Dịch chuyển ở thủ phủ bò sữa Củ Chi: [Bài cuối] Hỗ trợ nông dân đi 'đường trường'

Thứ Sáu 07/04/2023 , 08:55 (GMT+7)

Tốc độ đô thị hóa ở TP. HCM quá nhanh và tiêu chuẩn thị trường đòi hỏi người nuôi bò sữa ở Củ Chi phải thích nghi, chuyển đổi và đi đường trường.

Chăn nuôi bò sữa theo hình thức nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường... không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Người nuôi bò cần thay đổi mô hình, tập trung liên kết và nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Ảnh: Lê Bình

Chăn nuôi bò sữa theo hình thức nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường không còn phù hợp với tình hình hiện tại nên người nuôi bò ở Củ Chi cần thay đổi mô hình, tập trung liên kết và nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Ảnh: Lê Bình.

Nuôi bò sữa tự phát, nhỏ lẻ không còn phù hợp

Theo bà Lê Ngọc Sương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Củ Chi, hoạt động chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện chủ yếu chăn nuôi ở quy mô nông hộ và trang trại nhỏ (trong đó, có 2.042 hộ chăn nuôi với quy mô từ 1-9 con; 1.722 hộ chăn nuôi với quy mô từ 10-19 con; 1.023 hộ chăn nuôi với quy mô từ 20-49 con; 61 hộ chăn nuôi với quy mô từ 50 con trở lên) nên việc đầu tư phát triển sản xuất, cơ giới hoá, ứng dụng khoa học tiến bộ trong chăn nuôi gặp nhiều hạn chế.

“Phương thức chăn nuôi theo truyền thống, kinh nghiệm vẫn phổ biến, mặc dù đã được tập huấn, hướng dẫn cải tiến kỹ thuật chăn nuôi; người chăn nuôi chỉ tập trung khai thác sữa, bán con giống nhưng chưa quan tâm đến quản lý đàn giống, chế độ dinh dưỡng, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng tại nông hộ”, bà Lê Ngọc Sương thông tin.

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hoá nhanh, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dẫn đến diện tích đồng cỏ bị thu hẹp dần, từ đó, ảnh hưởng đến việc phát triển đàn bò sữa. Đồng thời, việc chăn nuôi trong khu dân cư và những nơi không đúng quy hoạch đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt hằng ngày của người dân xung quanh.

Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào như các loại thức ăn hỗn hợp, thức ăn thô xanh và các loại phế phẩm, vật tư chăn nuôi, thuốc thú y, xăng dầu không ổn định, luôn trong tình trạng tăng cao, làm giá thành sản xuất bình quân cao, giảm hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

Nhằm tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế trong chăn nuôi bò sữa trên địa bàn, UBND huyện Củ Chi tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm đàn, nâng cao chất lượng và sản lượng sữa bò hàng năm. Các đàn bò đang có xu hướng được di dời đến xa các khu dân cư, khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa theo phương thức trang trại, công nghiệp.

Điều này nhằm tạo thuận lợi đưa tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa nhằm giảm công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất và lợi nhuận, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tái sử dụng nguồn năng lượng từ chất thải (biogas).

Ngành chăn nuôi huyện Củ Chi đang khuyến khích các hộ nuôi áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP), khuyến khích đầu tư trang trại chăn nuôi kín, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh môi trường.

Theo ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP. HCM, để tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi bò sữa, cần mạnh dạn đầu tư về chuồng trại và nâng quy mô đàn từ 30 con trở lên thì mới đáp ứng được các yêu cầu sản xuất.

“Ngành Khuyến nông thành phố cũng có những mô hình cơ giới hóa, từ phối trộn thức ăn, làm mát cho đến việc bổ sung các trang thiết bị chuồng trại để giúp người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, việc phối trộn khẩu phần ăn cho bò sữa theo từng giai đoạn cũng rất quan trọng, nhằm giúp bỏ phát triển khỏe mạnh và cho sản lượng sữa cao nhất, nâng cao giá bán sữa”, ông Phạm Lâm Chính Văn chia sẻ.

Đối với những hộ nông trại có quy mô nhỏ lẻ, kém hiệu quả, không có khả năng nâng quy mô… UBND huyện Củ Chi khuyến khích chuyển sang các mô hình sản xuất nông nghiệp khác như thủy sản (mô hình nuôi cá cảnh, nuôi lươn,...), trồng trọt (trồng lan, rau, nấm,...), chăn nuôi (bò thịt, dê...) hoặc chuyển đổi sang các ngành khác phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế hộ gia đình và đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường.

DSC03601

UBND huyện Củ Chi đang xây dựng việc chăn nuôi bò sữa theo hướng bền vững, ổn định và an toàn. Ảnh: Lê Bình.

Chủ động thức ăn, phòng bệnh và môi trường

Theo ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, huyện đang khuyến khích người dân tận dụng, thuê mướn đất trống và mạnh dạn chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò và trồng bắp vừa phục vụ chăn nuôi bò, vừa phục vụ xuất khẩu.

Trong thời gian qua, Trạm Khuyến nông Củ Chi cũng đã tập huấn, hướng dẫn các hộ chăn nuôi bò sữa cách xây dựng các khẩu phần thức ăn phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của con bò, khuyến khích tăng tỷ lệ sử dụng thức ăn ủ chua, các dạng protein by-pass, khẩu phần thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR) trong chăn nuôi bò để nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản xuất.

Để chủ động phòng chống, ứng phó với dịch bệnh trên bò sữa, huyện Củ Chi cũng tổ chức tiêm phòng định kỳ đối với bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, lepto, lao, sẩy thai truyền nhiễm, ký sinh trùng,... Giám sát, hỗ trợ người chăn nuôi trong chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị các bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng, viêm vú tiềm ẩn và các bệnh sinh sản.

Bà Lê Ngọc Sương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Củ Chi cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ hướng tới và đưa ra quy chuẩn về đảm bảo an toàn môi trường trong chăn nuôi bò trên địa bàn huyện.

Theo đó, người chăn nuôi xử lý chất thải chăn nuôi bằng công trình khí sinh học (hầm biogas) để góp phần làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. “Qua đó, tận dụng nguồn khí sinh học thay thế chất đốt hoặc có thể được sử dụng cho chạy máy phát điện, tạo ra điện sinh hoạt gia đình và điện phục vụ trang trại, sử dụng phân từ phụ phẩm khí sinh học thay thế phân bón hóa học”, bà Sương chia sẻ.

Đồng thời, người chăn nuôi nên sử dụng men vi sinh để xử lý ô nhiễm môi trường như: sử dụng để trộn vào thức ăn, nước uống làm tăng tỷ lệ tiêu hóa thức ăn, giảm mùi hôi thối trong phân và nước tiểu hoặc sử dụng các loại được dùng để phun, rắc vào nền chuồng hoặc nước thải để giảm ô nhiễm môi trường.

Nguyên liệu ủ phân gồm phế phụ phẩm trồng trọt, phân động vật để làm phân bón cho cho cây trồng. Phân sau khi ủ hảo khí trở nên tơi xốp và không có mùi hôi thối, các loại vi sinh vật có gậy bệnh bị tiêu tiệt bởi nhiệt độ đống ủ.

Về vấn đề chuyên môn, ông Phạm Lâm Chính Văn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP. HCM giải thích thêm: “Đây là công nghệ xử lý phân hiện đại dựa trên nguyên tắc ‘lưới lọc’. Khi hỗn hợp chất thải đi vào máy ép qua lưới lọc thì các chất rắn được giữ lại, ép khô và ra ngoài để xử lý, còn lượng nước theo đường riêng chảy ra ngoài hoặc cho xuống bể khí sinh học để xử lý tiếp. Độ ẩm của phân khô có thể được điều chỉnh tùy theo mục đích sử dụng”.

Trong thời gian tới, ngành khuyến nông TP. HCM và UBND huyện Củ Chi sẽ tăng cường tập huấn, hội thảo, đào tạo hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn và quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi theo hướng quy trình VietGAHP.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.