Giá trị xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD. Giá cá ngừ vằn giảm mạnh, ngư dân gặp khó. Xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh cho hiệu quả cao. Chuyển giao kỹ thuật nuôi ngan sinh sản cho nông dân.
Giá trị xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ usd
Biên tập: Quỳnh Anh, Phạm Huy
Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, kết thúc niên vụ 2023-2024 vào tháng 9 vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,46 triệu tấn cà phê, giảm 12,1% so với niên vụ 2022/2023. Lượng xuất khẩu giảm nhưng kim ngạch lại tăng tới tới 33,1%, lên mức 5,43 tỷ USD. Đây là kim ngạch xuất khẩu trong một niên vụ cà phê cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên xuất khẩu cà phê trong một niên vụ cà phê vượt mốc 5 tỷ USD. Giá xuất khẩu tăng cao là động lực chính để xuất khẩu cà phê Việt Nam vượt mốc vừa nêu. Riêng trong tháng 9 vừa rồi, giá xuất khẩu cà phê đạt bình quân 5.469 USD/tấn, là mức giá cao nhất trong lịch sử, tăng 5,8% so với tháng trước đó và tăng 68,7% so với tháng 9/2023.
Giá cá ngừ vằn giảm mạnh, ngư dân gặp khó
Thực hiện: Quỳnh Anh, Phạm Huy
Những tháng gần đây, cá ngừ dọc dưa hay còn gọi là cá ngừ vằn liên tục rớt giá, hiện chỉ còn 19-20.000 đồng/kg, khiến ngư dân đánh bắt lỗ nặng, đành neo tàu nằm bờ. Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, cho biết nguyên nhân là do Nghị định số 37/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019 trong đó có quy định kích cỡ cá ngừ vằn cho phép khai thác là 500mm. Tuy nhiên, thực tế lâu nay trong mẻ lưới khai thác, sản lượng cá ngừ vằn đạt kích cỡ này rất thấp, chỉ chiếm 3-5%. Theo quy định của Nghị định 37, nếu doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mua cá ngừ vằn nhỏ hơn kích cỡ khai thác thì các cảng cá không cấp giấy xác nhận nguyên liệu. Chính vì vậy, hiện doanh nghiệp không mua cá ngừ như thường lệ mà thực hiện theo quy định nên sản lượng ùn lại nhiều. Trong khi loại cá này tiêu thụ nội địa không đáng kể, mà chủ yếu đưa vào chế biến đồ hộp để xuất khẩu là chính.
Xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh cho hiệu quả cao
Thực hiện: Minh Sáng – Phạm Huy
Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vừa tổ chức đánh giá mô hình xử lý rơm trạ trên đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học tại xã Hòa Long, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
Theo ông Nguyễn Đình Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao Tiến bộ Kỹ thuật Nông nghiệp - Viện KHKTNN MN, mô hình được thực hiện trên diện tích 1,2 hecta với giống lúa OM380.
Ngay khi bắt đầu xuống giống, nông dân không đốt rơm rạ trên đồng ruộng như thói quen truyền thống mà sử dụng phân bón lót và chế phẩm vi sinh để làm hoai mục rơm rạ. Sau khoảng 15 ngày gốc rạ, rơm phân hủy tạo thành phân hữu cơ, an toàn, thân thiện với môi trường. Với cách xử lý này người dân tiết kiệm được từ 50 đến 60 kg lúa giống/hecta và 40 % lượng phân bón, thuốc hóa học so với ruộng đối chứng; cây lúa khỏe, ít đổ ngã, giảm số bệnh. Đây là mô hình thực hiện theo Đề án phát triển bền vững 1.000.000 hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.
Chuyển giao kỹ thuật nuôi ngan sinh sản cho nông dân
Thực hiện: Thanh Nga - Phạm Huy
Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, thuộc Viện Chăn nuôi vừa chuyển giao thành công mô hình nuôi ngan RT sinh sản tại xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Mô hình được triển khai tại một trang trại ở địa phương với quy mô 400 con ngan bố mẹ 1 ngày tuổi; trong đó có 300 con ngan mái và 100 con ngan trống. Giống ngan đưa vào nuôi là giống RT được lai tạo từ giống ngan R41 nhập nội với giống ngan trâu Việt Nam. Sau 7 tháng chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, tỷ lệ sống của vật nuôi đạt 95%, trọng lượng mỗi con ngan trống đạt 4,5 – 5 kg, ngan mái đạt 2,5 -2,6 kg và đã đẻ trứng đạt tỷ lệ hơn 80%. Việc chuyển giao thành công nuôi ngan sinh sản sẽ góp phần giúp người dân chủ động con giống phục vụ chăn nuôi bền vững, gia tăng thu nhập.