Kết quả, so với đối chứng (không dùng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ), ruộng xử lý rơm rạ bằng Sumitri, cây lúa sinh trưởng nhanh hơn, không nhiễm bệnh vàng lá, không ngộ độc hữu cơ, rơm rạ phân hủy nhanh, độ phì của đất cao hơn, giảm được đáng kể phân bón các loại.
Chị Nguyễn Thị Sậu tham gia mô hình ở xã Tống Trân (huyện Phù Cừ, Hưng Yên) phấn chấn khoe: Nhà em đăng ký dùng Sumitri xử lý 5 sào rơm rạ trên ruộng lúa sau thu hoạch, chưa đầy 13 ngày sau, toàn bộ tồn dư hữu cơ (bao gồm cả rơm rạ) đã mủn hết, lội xuống gieo, cấy mát cả bàn chân, lúa bén rễ hồi xanh rất nhanh. Như mọi năm rơm rạ không được xử lý bằng chế phẩm vi sinh, em loay hoay mãi mới đốt hết được trên ruộng, khi xuống cấy vẫn đạp phải gốc rạ, rát hết chân, cây lúa thì áy o mãi không lên được. Biết sớm hiệu quả thế này, em đã bớt nhọc.
Bà Nguyễn Thị Hiền ở xã Tân Phúc (huyện Ân Thi) luôn miệng hậm hụi: Ban đầu tôi cũng định tham gia mô hình, nhưng mấy “mẹ” hàng xóm cứ gàn quảy: Nào là, phải cắt rạ sát gốc, thu gom thành từng đống, pha thuốc trong nước sạch rồi phun xịt, đảo lại lần nữa, sau đưa nước vào ruộng mới lồng ngả gieo cấy, lắm công đoạn phức tạp, rách việc, thế là tôi tặc lưỡi! Không ngờ, dùng Sumitri quá đơn giản, chỉ cần trộn chế phẩm với cát/ đất bột hoặc phân bón, rắc đều lên ruộng đã lồng giập rạ lần đầu, đợi khoảng 10-12 ngày thì tiến hành bừa/lồng gieo cấy. “Hy vọng mô hình còn tiếp tục thực hiện ở các vụ sau, để tôi đăng ký sớm”, bà Hiền bày tỏ.
Ông Đào Văn Luận tham gia mô hình ở xã Vĩnh Xá (huyện Kim Động) cũng đồng lòng đánh giá: So với các chế phẩm đã sử dụng trước đây, thì Sumitri dễ sử dụng hơn, thời gian phân hủy rơm rạ nhanh hơn 2-5 ngày, đơn giá xử lý/sào (360m2) cũng rẻ hơn được gần 50%. Riêng với các ruộng rơm rạ vùi tươi tại chỗ, ruộng được xử lý Sumitri tiết kiệm được 2 lần phun thuốc trừ vàng lá cộng nghẹt rễ sinh lý, giảm được 30% lượng phân lân cho bón lót và 15% lượng NPK bón thúc lần đầu. Đặc biệt, không phải đẩy trộm rơm rạ xuống kênh trục thủy nông.
Theo số liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO): Trong 1 tấn rơm rạ có 5-8kg urê, 10kg supe lân, 40kg kali clorua, 70kg silic, 6kg canxi, 2kg magie và nhiều loại vi lượng không thể thay thế khác. Theo đó, hàng năm tỉnh Hưng Yên gieo cấy trên 70.000ha lúa các loại. Sản lượng thóc ước đạt 450.000 tấn. Tổng lượng rơm rạ để lại sau thu hoạch khoảng 570.000 tấn. Phần lớn số rơm rạ này được đốt ngay trên đồng, bên đường giao thông hoặc vùi tươi tại ruộng hoặc xả thải xuống các kênh trục thủy nông… Điều này rất lãng phí, gây ách tắc dòng chảy, làm ô nhiễm môi trường, hạn chế tầm nhìn giao thông, dễ xảy ra tai nạn không đáng có. Số rơm rạ vùi tươi trên ruộng còn là nơi lưu chuyển sâu bệnh hại cây trồng từ vụ này sang vụ khác. Đặc biệt, thời gian chuyển từ vụ Xuân sang vụ Mùa rất ngắn (khoảng 20 ngày), nếu rơm rạ không được xử lý phân hủy hoặc phân hủy không triệt để, sẽ làm cho lúa mới cấy bị ngộ độc, sinh trưởng chậm, hay bị mắc bệnh vàng lá. Việc đốt rơm rạ trên ruộng còn làm chai cứng đất canh tác cục bộ, suy kiệt các vi sinh vật hữu ích...
Hiệu quả của mô hình dùng chế phẩm Sumitri xử lý cho rơm rạ cho ruộng lúa sau thu hoạch đạt được rất rõ nét. Nhưng do diện tích xử lý nhỏ (600ha/12 điểm toàn tỉnh), nên chưa phổ quát được khắp các hộ. Đây chính là nguyên nhân, hầu hết các nhà nông đều kiến nghị mở rộng mô hình ra toàn tỉnh trong các năm tiếp theo.