Các địa phương vùng ĐBSCL tiếp tục triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022 – 2023, hưởng ứng chương trình phát động giảm lượng giống lúa gieo sạ trong sản xuất lúa của Bộ NN&PTNT.
Kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2022 - 2023 vùng ĐBSCL
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, diện tích gieo trồng năm 2022 tại vùng ĐBSCL đạt gần 3,9 triệu ha, với năng suất bình quân là 6,2 tấn/ha, sản lượng ước đạt 24.129 nghìn tấn tương đương so với cùng kỳ các năm trước, mặc dù diện tích tổng thể gieo trồng lúa năm 2022 ở vùng ĐBSCL có giảm để chuyển sang canh tác các loại cây trồng khác, tuy nhiên năng suất lại gia tăng. Bên cạnh đó, năng suất vụ đông xuân giữ ổn định, đạt xấp xỉ 7 tấn/ha. Riêng vụ thu đông, trong 10 năm qua kể từ năm 2012 đến nay, năng suất lúa thu đông có chiều hướng gia tăng, tương đương, thậm chí cao hơn vụ hè thu, dù diện tích gieo sạ có tăng giảm theo hàng năm.
Ông LÊ THANH TÙNG – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT)
“Vùng ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa vừa tiêu thụ trong nước vừa xuất khẩu, vì thế chúng ta thay đổi cơ cấu mùa và thay đổi cách tổ chức sản xuất sẽ ảnh hưởng đến sản lượng gạo tiêu thụ tại nội địa và xuất khẩu, cần có các ý kiến của doanh nghiệp, các nhà khoa học, các địa phương, các chuyên gia có kinh nghiệm trong sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL và để bố trí lại thời vụ một cách cần thiết không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng cũng như thu nhập của bà con nông dân ”
Ông TRƯƠNG KIẾN THỌ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang
“An Giang là một trong ba tỉnh có diện tích gieo trồng lớn đứng đầu là Kiên Giang, thứ hai là Kiên Giang, với diện tích 200.000 ha đất canh tác, như vậy gieo trồng tính bình quân 3 vụ xấp xỉ 550.000 ha diện tích gieo trồng, điều này đem đến sản lượng lúa gạo rất là lớn cho tỉnh An Giang và cho cả khu vực vấn đề an ninh lương thực”
Qua sơ kết vụ lúa thu đông, vài năm gần đây cơ cấu giống lúa chất lượng cao, giống lúa thơm, nếp chiếm tỷ lệ cao, đạt khoảng 80%, góp phần làm cho thu nhập của bà con nông dân cũng như góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam. Nếu như trước đây, giá gạo xuất khẩu của nước ta dưới 400 USD/tấn hiện nay đã tăng xấp xỉ đạt 500 USD/tấn. Điều này cho thấy sự chuyển đổi cơ cấu giống, công tác nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao các giống lúa phát huy hiệu quả cao, sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp các địa phương và doanh nghiệp để tìm kiếm các thị trường tốt hơn cũng đạt nhiều kết quả tích cực.
Ông LÊ QUỐC DOANH - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
“Cơ cấu giống hiện nay chúng ta rất phong phú đa dạng ngắn ngày, năng suất chất lượng cao thì chúng ta lựa chọn cơ cấu giống yêu tiên cho xuất khẩu, cân đối tỉ lệ giữa cơ cấu phục vụ chế biến cũng như nhóm đặc sản lúa thơm, chúng ta cân đối lại vừa phát huy lợi thế và phân khúc của thị trường ”
Hưởng ứng chương trình phát động giảm lượng giống lúa gieo sạ của Bộ NN-PTNT, các địa phương vùng ĐBSCL đồng loạt tiếp tục triển khai trong sản xuất lúa vụ thu đông, vụ mùa năm 2022. Lượng giống lúa gieo sạ < 100kg/ha bước đầu tăng hơn 2% so với vụ thu đông 2021, lượng giống gieo sạ từ 100 – 150kg/ha tăng hơn 7%, đặc biệt lượng giống gieo sạ > 150kg/ha giảm rõ rệt gần 8,6%. Ngoài ra, việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa như san lấp phẳng đồng ruộng, áp dụng máy sạ hàng và máy cấy,… đã góp phần hiệu quả vào việc giảm lượng giống lúa gieo sạ của vùng.