Giới thiệu 9 sáng kiến phát triển toàn diện nền nông nghiệp Việt Nam. Cắt giảm, đơn giản hóa 252 điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp. Hội chợ nông sản, đặc sản 2022 diễn ra từ ngày 17/6 đến 19/6. Giá gạo thế giới tăng tháng thứ 5 liên tiếp.
GIỚI THIỆU 9 SÁNG KIẾN PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN NỀN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
Chiều 14/6, CGIAR phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo giới thiệu sáng kiến One CGIAR tại Việt Nam. 9 sáng kiến sẽ được triển khai ở Việt Nam bởi các Trung tâm CGIAR, cùng với nhiều đối tác nghiên cứu, phát triển và tất cả các bên liên quan, thuộc 5 lĩnh vực tác động bao như: Dinh dưỡng, Y tế và An ninh Lương thực; Giảm nghèo; Thích ứng và Giảm nhẹ Biến đổi Khí hậu; Sức khỏe Môi trường, Đa dạng Sinh học. Phát biểu tại hội thảo, ông Jean Balie, Giám đốc One CGIAR khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho biết, CGIAR mong muốn những sáng kiến, nghiên cứu nông nghiệp Việt Nam lần này sẽ đem lại tác động lớn, gắn kết để cùng nhau áp dụng kinh nghiệm của CGIAR tại Việt Nam. Qua đó, mang lại tính nhất quán trong sản xuất, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu và tạo sự chuyển biến trong nhiều lĩnh vực của nền nông nghiệp Việt Nam.
CẮT GIẢM, ĐƠN GIẢN HÓA 252 ĐIỀU KIỆN KINH DOANH TRONG NÔNG NGHIỆP
Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 252 điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp. Chi phí tiết kiệm được từ việc cắt giảm 46,42 tỷ đồng. Về cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, tổng số sản phẩm, Bộ đã cắt giảm 5.288 dòng hàng giảm 78% so với năm 2017; ước tính tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp trên là 21,6 tỷ đồng/năm.Như vậy, cùng với hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, cắt giảm, cải tiến mạnh mẽ các thủ tục hành chính theo hướng một cửa liên thông; nâng cấp, mở rộng đăng ký trực tiếp qua cổng thông tin điện tử theo các cấp độ.
HỘI CHỢ NÔNG SẢN, ĐẶC SẢN 2022 DIỄN RA TỪ 17/6 ĐẾN 19/6
Lễ khai mạc “Phiên chợ Nông sản, Đặc sản vùng miền 2022”do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, các Sở NN&PTNT các tỉnh Đồng bằng sông Hồng tổ chức sẽ diễn ra từ ngày ngày 17/6 đến hết ngày 19/6 tại tầng 1, Tòa nhà Triển lãm Nông nghiệp, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà NộiPhiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền 2022 được tổ chức nhằm kết nối nông sản tiêu biểu của các vùng miền trên cả nước tới các khách hàng, người tiêu dùng trong và ngoài nước, tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.Trong khuôn khổ Phiên chợ, Sở NN&PTNT Hải Dương sẽ tổ chức hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm vải thiều Thanh Hà, rau củ quả, rươi và các sản phẩm rươi, hoạt động dùng thử, check in tại gian hàng.
Theo chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, giá gạo thế giới đã ghi nhận tháng tăng thứ 5 liên tiếp và chạm ngưỡng cao nhất trong 1 năm qua. Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn ổn định và ở mức khá cao. Hiện, giá gạo xuất khẩu 5% tấm ổn định ở mức 423 USD/tấn, gạo 25% tấm giữ nguyên 403 USD/tấn và gạo 100% tấm ổn định ở mức 378 USD/tấn.Việc Philippines giảm thuế nhập khẩu gạo từ 50% xuống còn 35% đến hết năm 2022 là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường này.Hiện tại, tình hình sản xuất lúa gạo vẫn rất tốt, giá lúa mỳ tăng có thể khiến các nước thay thế mặt hàng này bằng gạo. Điều này sẽ làm tăng nhu cầu và giảm lượng gạo dự trữ hiện có.