Hà Lan có 400 dự án đầu tư vào Việt Nam trị giá 11 tỷ USD. Làm rõ thực trạng ngành nông nghiệp khi chuyển đổi số. Xuất khẩu cá ngừ sang Bồ Đào Nha tăng trưởng 3 con số. Kon Tum đặt mục tiêu trở thành thủ phủ Sâm Ngọc Linh.
HÀ LAN CÓ 400 DỰ ÁN ĐẦU TƯ VÀO VIỆT NAM TRỊ GIÁ 11 TỶ USD
Chiều 4/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan có buổi tiếp, làm việc với Đoàn Đại sứ quán Hà Lan và Tập đoàn De Heus toàn cầu về mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp.Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Hà Lan hiện là đối tác trong khối EU có đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với gần 400 dự án và tổng số vốn khoảng 11 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam.Điển hình là tập đoàn De Heus sau hơn 13 năm có mặt tại Việt Nam, đã vươn lên trở thành công ty có quy mô sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản lớn nhất hiện nay với 23 nhà máy và nằm trong danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam.Với những kết quả đáng mừng trên, Bộ trưởng mong muốn Việt Nam và Hà Lan sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế song phương, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng tình với ý kiến của người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam, Bà Elsbeth Akkerman, đại sức đặc mệnh toàn quyền vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa mở rộng sản xuất kinh doanh, vừa thực hiện trách nhiệm xã hội, đặc biệt là quan tâm đến người lao động, bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.
LÀM RÕ THỰC TRẠNG NGÀNH NÔNG NGHIỆP KHI CHUYỂN ĐỔI SỐ
Phát biểu trong phiên họp Ban chỉ đạo chuyển đổi số Bộ NN-PTNT chiều ngày 4/5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị khi thực hiện chuyển số cần làm rõ được thực trạng ngành nông nghiệp. Để quá trình chuyển đổi số vừa nhanh vừa chắn chắn và hiệu quả. Ngoài ra, cần tham khảo về trình tự, thủ tục xây dựng chuyển đổi số của quốc tế, nhất là các nước phát triển, từ đó làm bài học cho Việt Nam. Thứ trưởng yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo Chuyển đổi số, các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT tự xây dựng các chương trình từ cấp cơ sở, dựa trên khung dự thảo của đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, trước khi báo cáo Văn phòng Bộ để tổng hợp, tránh tình trạng trùng lặp. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị tham mưu làm rõ các vấn đề liên quan tới kinh phí xây dựng đề án, bởi đây là tiền đề cơ bản để tiến tới chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
XUẤT KHẨU CÁ NGỪ SANG BỒ ĐÀO NHA TĂNG TRƯỞNG 3 CON SỐ
Sau khi tăng trưởng 75% trong năm 2021, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Bồ Đào Nha tiếp tục tăng trưởng cao ở mức 3 con số trong quý đầu năm 2022.Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Bồ Đào Nha đã đạt 1,1 triệu USD trong quý 1 năm nay tăng 135% so với cùng kỳ năm ngoái với sản phẩm chủ yếu là cá ngừ đông lạnh. Giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm này của Việt Nam đang ở mức 6.537 USD/tấn.Bước sang năm 2022, các ưu đãi thuế quan cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam theo Hiệp định EVFTA đang tạo đà cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Bồ Đào Nha. Bên cạnh đó, việc các nước châu Âu mở cửa đón khách du lịch trở lại dự kiến sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá ngừ có giá trị cao tại các nước này.
KON TUM VỚI MỤC TRỞ THÀNH THỦ PHỦ SÂM NGỌC LINH
Tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu đến 2025 phát triển khoảng 4.500 ha sâm Ngọc Linh. Đến 2030, con số này tăng lên trên 10.000 ha và tham vọng trở thành thủ phủ sâm Ngọc Linh và dược liệu lớn nhất Việt Nam.Sâm Ngọc Linh là loại sâm có hàm lượng saponin cao và là một trong những sản phẩm quan trọng nhất về dược liệu. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thời điểm còn làm Thủ tướng, từng đề nghị Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh, trong đó yêu cầu làm rõ sâm này là đặc hữu của Việt Nam, là loại sâm tốt nhất thế giới.Để sâm Ngọc Linh phát triển bền vững, lãnh đạo tỉnh Kon Tum cho biết, những huyện có diện tích sâm lớn đang được tỉnh xúc tiến cấp tem sản phẩm sâm cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để có thể truy xuất nguồn gốc và vùng trồng để quản lý chặt chẽ hơn và giảm được tình trạng hàng nhái, hàng giả kém chất lượng.