Mưa lớn gây khó khăn cho công tác phục hồi sau thiên tai. Chủ động ứng phó gió mạnh, sóng lớn trên biển. Hơn 130 hộ dân lọc nước thải để sinh hoạt. Bắc Kạn: Phấn đấu tăng thu nhập vùng đồng bào thiểu số.
MƯA LỚN GÂY KHÓ KHĂN CHO CÔNG TÁC PHỤC HỒI SAU THIÊN TAI
Quỳnh Anh kt
Theo dự báo từ các chuyên gia khí tượng, những tháng cuối năm nay, các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, sẽ đối mặt với lượng mưa lớn hơn bình thường. Hiện tượng La Nina đang là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, khi nó kéo nước ấm về phía Tây Thái Bình Dương, làm tăng lượng mưa cho khu vực. Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN cho biết, La Nina có khả năng kéo dài từ tháng 10 đến tháng 11. Điều này gây lo ngại về các hậu quả tiềm ẩn, bao gồm lũ lụt, sạt lở đất và những khó khăn trong phục hồi sau thiên tai.
Tin 2
CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ GIÓ MẠNH, SÓNG LỚN TRÊN BIỂN
Quỳnh Anh kt
Bộ NN-PTNT vừa có Công văn đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang chủ động ứng phó với gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển. Trong đó đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp. Duy trì thông tin liên lạc. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống. Thường xuyên báo cáo về Bộ NN-PTNT.
Theo dự báo ngày và đêm 20-21/10, khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 3-5m; vùng biển phía tây khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Tin 3
HƠN 130 HỘ DÂN LỌC NƯỚC THẢI ĐỂ SINH HOẠT
Thanh Nga sx
Ít nhất 100 hộ dân thôn Đồng Kim và khoảng 30 hộ dân thôn Đình Cương, xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đang phải đối mặt với nhiều loại bệnh tật, mất an toàn vệ sinh thực phẩm do phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm từ sông Đập Đình.
Theo bà con, từ hàng chục năm nay người dân thôn Đồng Kim và Đình Cương sử dụng nước sông Đập Đình để sinh hoạt, song qua thời gian, mật độ dân cư đông đúc, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm dọc bờ sông gia tăng khiến nguồn nước sông ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Do thiếu nước sinh hoạt nên bà con phải đặt ống xi măng giữa sông, lọc qua một lớp cát sơ sài sau đó bơm lên tắm rửa, sinh hoạt. Những năm đại hạn, nguồn nước mưa tích trữ không đủ buộc nhiều hộ phải dùng nguồn nước đỏ quạch, đóng cặn, pha trộn nước thải của gia súc, gia cầm này để ăn uống, sử dụng.
Tin 4
BẮC KẠN: PHẤN ĐẤU TĂNG THU NHẬP VÙNG ĐỒNG BÀO THIỂU SỐ
Thực hiện: Quỳnh Anh
Bắc Kạn là tỉnh miền núi với 88 dân số là người dân tộc thiểu số. Những năm qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đáng kể nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia. Riêng chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2022 đến 2024 đã được đầu tư gần 2.200 tỷ đồng. Đến nay có 4 tiêu chí đạt và vượt so với kế hoạch gồm: 85% số xã có đường ô tô đến trung tâm; 95% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 92% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; Số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98,5%. Giai đoạn 2024 - 2029, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số bằng một nửa so với mức bình quân của cả nước, hộ nghèo giảm 3,5%/năm.