Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, khắc phục hậu quả mưa bão. Lâm Đồng: Thêm một nhà máy chế biến trái cây quy mô lớn. Đông Nam Bộ có lợi thế trồng, chế biến ca cao. Thanh Hóa: Tích tụ đất cho nông nghiệp công nghệ cao.
TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MƯA BÃO
Thực hiện: Quỳnh Anh, Phạm Huy
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 108 về việc đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3. Trong đó, yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan và chính quyền đại phương khẩn trương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các hộ dân, cơ sở sản xuất bị thiệt hại do bão, lũ theo quy định của pháp luật để người dân có nguồn vốn nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường, nguồn cung vật tư đầu vào cho sản xuất và hàng hóa nông sản trên địa bàn, kịp thời phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai các biện pháp kiểm soát giá cả, không để xảy ra đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường, lợi dụng để trục lợi. Chủ động chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân đẩy mạnh sản xuất, tập trung vào các lĩnh vực, sản phẩm còn dư địa phát triển phấn đấu đạt mức tăng sản lượng và giá trị cao hơn 10% so với kế hoạch đã đề ra nhằm bù đắp sụt giảm.
LÂM ĐỒNG: THÊM MỘT NHÀ MÁY CHẾ BIẾN TRÁI CÂY QUY MÔ LỚN
Thực hiện: Phương Chi
Tỉnh Lâm Đồng vừa có thêm một nhà máy chế biến trái cây đông lạnh quy mô lớn, với tổng diện tích 10.000 m2 và hệ thống công nghệ tiên tiến, nhà máy có khả năng sản xuất và cung cấp ra thị trường trên 10.000 tấn sản phẩm mỗi năm. Các sản phẩm được chế biến từ những loại nông sản lợi thế của tỉnh Lâm Đồng, các tỉnh Tây nguyên lân cận và vùng Đồng bằng sông Cửu Long như sầu riêng, chanh leo, chôm chôm, xoài, thanh long…Nhà máy được vận hành theo các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm như HACCP và BRCGS đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, EU. Đặc biệt là thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng về nhu cầu tiêu thụ cũng như về vị trí địa lý tạo cho Việt Nam lợi thế rất lớn trong khâu vận chuyển hàng hoá.
ĐÔNG NAM BỘ CÓ LỢI THẾ TRỒNG, CHẾ BIẾN CA CAO
Biêntập: QuỳnhAnh
Hiện cả nước có 3.471 hécta cây ca cao, riêng Đông Nam Bộ có gần 1,4 nghìn hécta, chiếm 48% sản lượng ca cao của Việt Nam. Đạt được kết quả này không chỉ vì các địa phương trong vùng thuận lợi về điều kiện tự nhiên mà còn do trình độ canh tác cao của nông dân. Ngoài ra, Đông Nam Bộ có lợi thế hơn các địa phương khác là tập trung được các tập đoàn, công ty lớn trong xuất khẩu, chế biến sản phẩm ca cao. Hiện các địa phương trong vùng đang tập trung phát triển cây ca cao theo hướng bền vững, xây dựng thương hiệu về chất lượng ca cao của cả vùng.
Tin 4
THANH HÓA: TÍCH TỤ ĐẤT CHO NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
QuỳnhAnhkt
Từ năm 2019 đến hết năm nay, toàn tỉnh Thanh Hóa tích tụ, tập trung ước đạt 29.461 ha đất để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn mang lại hiệu quả cao và từng bước được nhân rộng. Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ cao lĩnh vực trồng trọt cao hơn 4,43 lần, lĩnh vực thủy sản cao hơn 18,6 lần so với sản xuất đại trà; diện tích sản xuất theo hướng công nghệ cao lĩnh vực trồng trọt cao hơn 2,5 lần, lĩnh vực thủy sản cao hơn 9,5 lần, các lĩnh vực khác cao hơn ít nhất 1,5 lần so với sản xuất đại trà.