Hải quan Trung Quốc công bố sầu riêng Việt Nam bắt đầu đi chính ngạch. Có 4 địa phương hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm tháng thứ hai liên tiếp. Giá heo hơi mất mốc 70.000 đồng/kg.
Theo thông báo mới nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc kiểm dịch động thực vật đối với sầu riêng Việt Nam tươi nhập khẩu . Các vườn cây xuất khẩu sang Trung Quốc cần thiết lập hệ thống quản lý chất lượng hợp lý và hệ thống truy xuất nguồn gốc dưới sự giám sát của Bộ NN & PTNT. Ngoài ra, các vùng trồng và cơ sở đóng gói chanh leo phải được đăng ký với Bộ NN-PTNT và được phê duyệt bởi Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bộ NN & PTNT cần xây dựng kế hoạch quản lý đối với dịch hại kiểm dịch mà Trung Quốc quan tâm hợp với các yêu cầu của Tiêu chuẩn quốc tế về các biện pháp kiểm dịch động thực vật số 6 Đối với các lô hàng không đạt chuẩn: Nếu phát hiện lô hàng chưa qua phê chuẩn từ các vườn trồng hoặc cơ sở đóng gói, lô sầu riêng Việt Nam sẽ không được phép nhập cảnh; Nếu phát hiện có sinh vật gây hại mà Trung Quốc chú trọng hoặc sinh vật gây hại được ghi nhận ở Việt Nam, hoặc đất, tàn dư thực vật, v.v., lô hàng sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy.
CÓ 4 ĐỊA PHƯƠNG HOÀN THÀNH LẮP ĐẶT THIẾT BỊ GIÁM SÁT HÀNH TRÌNH TÀU CÁ
Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 6, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã đạt 93,4% tiến độ đề ra. Tuy vậy, mới chỉ có 4 địa phương đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình gồm: Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Cà Mau, còn lại 24 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành theo quy định. Việc các địa phương chưa kiểm soát được các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình dẫn đến xảy ra tình trạng khai thác bất hợp pháp. Qua rà soát 102 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ từ năm 2021 đến nay, chỉ có 43 tàu cá có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Số còn lại là tàu chưa lắp đặt nhưng vẫn đi khai thác và vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.
XUẤT KHẨU GỖ VÀ LÂM SẢN GIẢM THÁNG THỨ HAI LIÊN TIẾP
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 7 ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng 6 và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, đây là tháng thứ 2, xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm tốc. Trong 5 thị trường xuất khẩu chính gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc; Hoa Kỳ là thị trường duy nhất ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm. Tổng cục Lâm nghiệp, việc xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm 4,9% do chính sách thắt chặt tín dụng để kìm hãm lạm phát tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng trên 13% do xuất khẩu dăm gỗ và viên nén tăng. Tại Hội nghị Giao ban ngành gỗ Quý III/2022 tại Đồng Nai, Các chuyên gia cũng chỉ rõ hai tác động khiến số lượng đơn hàng của ngành gỗ sụt giảm thời gian qua là giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao và các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.
GIÁ HEO HƠI MẤT MỐC 70.000 ĐỒNG/KG
Ghi nhận giá heo hơi ngày 30/7, tại miền Bắc đi ngang, trong khi miền Trung và miền Nam biến động 1.000 - 3.000 đồng/kg so với hôm qua. Hiện giá heo hơi được thu mua trong khoảng 63.000 - 69.000 đồng/kg. Sau khi Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương, Tài chính và các địa phương thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt heo và bình ổn giá. Giá heo hơi đã liên tục giảm và về ngưỡng dưới 70.000 đồng/kg. Tuy vậy, giá heo hơi thời điểm này vẫn cao hơn tới 10.000 đồng/kg so với hồi tháng 6.