Hàng chục ngàn hecta lúa thu đông bị đổ, ngã do mưa dông kéo dài. Tăng quy mô gói tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản. Thanh Hóa: Nhiều ao đầm mất trắng sau bão lũ. Liên kết phát triển sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL.
Hàng chục ngàn hecta lúa thu đông bị đổ, ngã do mưa dông kéo dài
Văn Vũ sx
Những ngày qua, mưa lớn kéo dài đã làm nhiều diện tích lúa thu đông đang trong giai đoạn trổ-chín tại tỉnh Hậu Giang bị đổ ngã, chìm sâu trong nước làm giảm chất lượng và năng suất hạt lúa.
Theo người dân, lúa bị ngập nước đã làm tăng thêm chi phí bơm, cùng với đó là giá cắt lúa cũng tăng và bị thương lái hạ giá thu mua, nên nông dân chỉ huề hoặc lỗ.
Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện tại, có hàng chục ngàn héc ta lúa đang trong giai đoạn trổ - chín sắp thu hoạch nhưng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thời tiết. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là các huyện Long Mỹ, Vị Thủy và Châu Thành A. Sở Nông nghiệp đã khuyến cáo người dân tranh thủ thu hoạch lúa sớm để hạn chế thiệt hạị. Ngoài ra, tăng cường nâng cấp các hệ thống đê bao, cống đập để đảm bảo tiêu thoát nước kịp thời cho các cánh đồng có lúa thu đông sắp thu hoạch.
Tăng quy mô gói tín dụng hỗ trợ lâm thủy sản
Minh Phúc khai thác
Sau cơn bão số 3 (Yagi), ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc, bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều hội và hiệp hội ngành thủy sản đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp và người nuôi thủy sản sớm ổn định sản xuất.
Trước tình hình này, Chính phủ giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Trong đó, nghiên cứu tăng quy mô gói tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản từ 30.000 tỷ đồng lên 60.000 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu phục hồi sau bão lũ.
Số thống kê của NHNN cho thấy, đến giữa tháng 9/2024, gói tín dụng lâm, thủy sản đã giải ngân cho vay đạt 36.000 tỷ đồng, vượt 6.000 tỷ đồng so với hạn mức 30.000 tỷ đồng được bổ sung hồi tháng 2/2024.
Thanh Hóa: Nhiều ao đầm mất trắng sau bão lũ
Quốc Toản sx
Từ ngày 21/9 đến 24/9 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng, gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đời sống nhân dân. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh có hơn 394ha ao cá truyền thống bị ngập, thiệt hại chủ yếu tập trung tại các huyện Thường Xuân, Quan Hóa, Bá Thước, Thạch Thành, Yên Định... Ngoài ra, toàn tỉnh có 525m3 lồng bè nuôi thả của các huyện Thường Xuân, Bá Thước bị cuốn trôi.
Các địa phương đang chỉ đạo hộ nuôi và huy động các tổ chức đoàn thể ra quân tổng vệ sinh môi trường các vùng nuôi, gia cố bờ bao, hệ thống kênh mương tiêu nước; kéo lưới kiểm tra để loại bỏ cá tạp và ước lượng số cá còn lại. Đồng thời, tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường ao nuôi, hướng tới thả bổ sung cá giống vào ao nuôi, lồng bè bảo đảm đủ mật độ và cơ cấu cá thả
Liên kết phát triển sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL
SX: Trung Chánh
Bộ NN-PTNT vừa phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức “Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL năm 2024” với chủ đề “Liên kết cùng phát triển – Kiên Giang 2024”.
Theo ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, qua 6 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP), đến nay cả nước đã có hơn 14.000 sản phẩm OCOP của gần 7.800 chủ thể đạt 3 sao trở lên. Trong đó, ĐBSCL có gần 3.000 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Khu vực này có lợi thế phát triển sản phẩm OCOP đặc sắc, mang sắc thái của vùng nhờ nguồn nguyên liệu tập trung về thủy sản, lúa gạo và trái cây…
Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL năm 2024 có 320 gian hàng của các hợp tác xã, làng nghề, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến từ vùng ĐBSCL và nhiều tỉnh, thành trên cả nước; là không gian để người tiêu dùng, các doanh nghiệp phân phối có thể tiếp cận, trải nghiệm và giao thương sản phẩm OCOP.