Với vai trò là Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý Thiên tai (ACDM) Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có bài phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 11.
Hành động sớm để hỗ trợ cộng động dễ bị tổn thương trước thiên tai
Bài phát biểu của Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý Thiên tai (ACDM) tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 11.
Trước hết, với tư cách Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai và với Chủ đề của năm 2023 “Từ ứng phó đến hành động sớm và Tăng cường chống chịu: ASEAN tiến tới mục tiêu Lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai”, Tôi xin trân trọng cảm ơn sự ủng hộ quý báu của các thành viên Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai trong suốt một năm vừa qua để Bộ Nông nghiệp và PTNT có thể đảm đương vai trò của mình.
Thiên tai và biến đổi khí hậu đang được đánh giá ngày càng phức tạp và không theo quy luật. Cùng với dịch bệnh, thiên tai đang là mối hiểm họa lớn nhất mà loài người phải đối mặt. Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, một trong năm ổ bão của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cùng với vị trí địa lý, đặc điểm địa hình, địa chất và các điều kiện tự nhiên khác, các quốc gia ASEAN chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai. Chúng ta càng cần phải cùng nhau hành động để tăng cường hơn nữa các nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai với người dân trong cộng đồng ASEAN.
Thưa quý vị đại biểu!
Hành động sớm là một khái niệm mới, tuy nhiên về bản chất đây là các hoạt động trong giai đoạn phòng ngừa, ứng phó trước thiên tai mà các cơ quan, tổ chức làm công tác phòng, chống thiên tai đã và đang thực hiện. Hiểu đơn giản, hành động sớm chính là chuẩn bị trước, chuẩn bị từ sớm, từ ý thức cảnh giác, trang bị kiến thức vững vàng, đến chuẩn bị trước nhân lực, vật lực. Ví dụ: Tổ chức mua sắm phương tiện, trang thiết bị, vật tư phòng, chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn; Tổ chức, tham gia thực hiện các biện pháp công trình và phi công trình để phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai; Di dời người dân đến nơi ở an toàn; Xây dựng tốt các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cho người dân…
Thay vì cứu trợ người dân sau khi thiên tai diễn ra, cơ chế hành động sớm để hỗ trợ cho các cộng đồng dễ bị tổn thương dựa trên khung thời gian dự báo - cảnh báo sớm do các cơ quan có thẩm quyền, có chuyên môn đưa ra giúp công tác chuẩn bị, ứng phó thiên tai hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí phục hồi sau thiên tai và nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai, chuyển từ bị động sang thế chủ động.
Nhận thức được sự ưu việt và tiến bộ của Hành động sớm trong quản lý thiên tai, ASEAN cùng các đối tác đối thoại đã xây dựng và thông qua Khung ASEAN về hành động sớm trong quản lý thiên tai để định hướng và triển khai các sáng kiến, hỗ trợ hành động sớm dựa vào dự báo - cảnh báo, đẩy nhanh nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường, giàu khả năng chống chịu, hướng tới mục tiêu trở thành cơ chế đi đầu trong quản lý thiên tai.
Như chúng ta đã biết, năm 2023 đánh dấu cột mốc 20 năm thành lập Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai, nhưng từ trước đó rất lâu, ASEAN đã chú trọng và dồn nhiều tâm huyết, nguồn lực đến công tác này. Hành trình cho đến ngày hôm nay của chúng ta là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên mục tiêu “hướng tới trở thành cơ chế Lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai” vẫn là tham vọng, đòi hỏi AMMDM và ACDM cần tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực trên hành trình này.
Một lần nữa thay, mặt Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Phó Chủ tịch AMMDM Brunei, tất cả các quốc gia thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và Trung tâm AHA đã luôn hỗ trợ và làm việc hết sức mình vì một cộng đồng ASEAN an toàn hơn trước thiên tai.