| Hotline: 0983.970.780

Gia Lai phấn đấu có 33 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thứ Hai 21/10/2024 , 07:53 (GMT+7)

Đến năm 2030, Gia Lai định hướng phát triển lên 33 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trồng chuối áp dụng công nghệ cao tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn. Ảnh: Tuấn Anh.

Trồng chuối áp dụng công nghệ cao tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn. Ảnh: Tuấn Anh.

Hình thành nhiều vùng nông nghiệp công nghệ cao

Những năm qua, phát triển nông nghiệp công nghệ cao ngày càng được chú trọng tại tỉnh Gia Lai. Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 18 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích hơn 3.400ha, tập trung vào các sản phẩm chính như bơ, sầu riêng, thanh long, hồ tiêu, cà phê, rau, hoa, dược liệu… Hiện có 3 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm Công ty TNHH Một thành viên Hương Đất An Phú, Công ty Cổ phần chè Bầu Cạn, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp.

Tỉnh Gia Lai cũng đã thu hút được 295 dự án đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, 133 dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư gồm 29 dự án trồng trọt, 93 dự án chăn nuôi và 11 dự án trồng rừng.

Đến nay, nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao đã đi vào hoạt động đem lại hiệu quả. Điển hình là Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn đang có vùng trồng chuối trên diện tích hơn 400ha, được trồng theo hướng công nghệ cao tại huyện Đăk Đoa. Hiện sản phẩm chuối của Công ty được xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Kuwait…

Ông Lê Hoàng Linh, Giám đốc trang trại chuối của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn cho biết, toàn bộ diện tích chuối hơn 400ha của Công ty đều sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động. Bên cạnh đó, quá trình thu hoạch cũng theo công nghệ tự động bằng hệ thống ròng rọc và cáp treo. Đặc biệt, quá trình chăm sóc và quản lý dịch hại được Công ty thực hiện bằng máy bay không người lái công suất lớn, có thể tự động bón phân, phun thuốc từ trên cao rất hiệu quả.

“Việc ứng dụng công nghệ cao trên diện tích lớn giúp các sản phẩm sau thu hoạch đồng bộ về chất lượng, đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ giúp cho vườn chuối đạt năng suất hơn, đồng thời tiết kiệm được chi phí, nhân công lao động”, ông Linh chia sẻ.

Hàng ngàn ha cây trồng ở Gia Lai đã được ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Tuấn Anh.

Hàng ngàn ha cây trồng ở Gia Lai đã được ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Tuấn Anh.

Những năm qua, huyện Chư Păh cũng đã xây dựng đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, địa phương đã xây dựng thành công các mô hình sản xuất rau, củ, quả bằng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với quy mô khoảng 4ha; xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô khoảng 30ha. Đồng thời, áp dụng hiệu quả công nghệ tưới nước tiết kiệm cho một số cây trồng chủ lực như cà phê, sầu riêng và nhiều loại cây ăn quả… trên tổng diện tích khoảng 200ha.

Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chư Păh cho biết, đề án nông nghiệp công nghệ cao đến nay đã mang lại hiệu quả rõ nét. Hiện các vùng cây ăn quả và cà phê ứng dụng công nghệ cao của huyện đã được hình thành với diện tích hàng nghìn ha, chủ yếu sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm.

“Thời gian tới, chúng tôi đề xuất huyện tiếp tục triển khai thực hiện đề án nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp… Đồng thời hỗ trợ các trang thiết bị máy móc chế biến sâu để ngày càng nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn”, ông Sơn thông tin.

Tạo dựng uy tín trên thị trường xuất khẩu

Đến nay, những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Gia Lai đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Điển hình như cà phê công nghệ cao đã xuất khẩu đi 60 nước trên thế, nhiều nhất là thị trường châu Âu.

9 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu cà phê của tỉnh đạt hơn 550 triệu USD. Trong khi đó, trái cây ứng dụng công nghệ cao cũng đã được xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, EU, Mỹ… với giá trị xuất khẩu đạt 150 triệu USD.

Trước những hiệu quả của sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Gia Lai đã ban hành Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Cụ thể, đến năm 2030, Gia Lai định hướng phát triển lên 33 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, công nhận từ 8 - 10 doanh nghiệp đạt chứng nhận sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho giá trị kinh tế khoảng 300 - 500 triệu đồng/ha. Trong khi đó, bình quân thu nhập trên 1ha cây trồng bình thường hiện chỉ đạt khoảng 96 triệu đồng/ha.

Gia Lai xuất hiện ngày càng nhiều trang trại chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Tuấn Anh.

Gia Lai xuất hiện ngày càng nhiều trang trại chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Tuấn Anh.

Chăn nuôi công nghệ cao theo quy mô lớn cũng đem lại lợi nhuận cao và giảm thiểu được dịch bệnh. Chẳng hạn như chăn nuôi heo công nghệ cao, tổng chi phí đầu tư cho 1kg heo hơi là 46 ngàn đồng, giá bán 70 ngàn đồng, lợi nhuận đến 24 ngàn đồng/kg.

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã làm thay đổi tư duy của người dân, HTX và doanh nghiệp, từng bước làm chủ được công nghệ như lựa chọn vật tư nông nghiệp có chất lượng, sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn gắn với xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đống gói, truy xuất nguồn gốc.

“Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã giúp đời sống của người dân ngày càng nâng lên. Đặc biệt, bà con đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã thay đổi tập quán canh tác, biết áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.