Hoàn thành tái canh và ghép cải tạo 107.000ha cà phê năm 2025. Xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản phục hồi trở lại. Mỗi năm Hà Nội mở rộng 300 - 500 ha cây trồng theo hướng hữu cơ. Giá dưa hấu tại ĐBSCL thấp nhất từ đầu năm.
HOÀN THÀNH TÁI CANH VÀ GHÉP CẢI TẠO 107.000 HA CÀ PHÊ VÀO 2025
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2025, trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 107.000 ha cà phê; trong đó, trồng tái canh 75.000 ha, ghép cải tạo 32.000 ha.Năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3,5 tấn nhân/ha. Thu nhập sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo tăng 1,5 - 2 lần so với trước khi tái canh.Ngành nông nghiệp sẽ nghiên cứu, chọn tạo các giống cà phê mới thích hợp cho từng vùng sinh thái theo hướng năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và có khả năng cơ giới hóa khâu thu hoạch...
XUẤT KHẨU THỦY SẢN SANG NHẬT BẢN PHỤC HỒI TRỞ LẠI
Theo hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam – VASEP, Sau khi giảm mạnh trong 2 quý cuối năm ngoái, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản những tháng đầu năm 2022 đang ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực. Tính tới nửa đầu tháng 3/2022, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt trên 113 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021.Hiện Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của nước ta sau Hoa Kỳ, chiếm khoảng 15% tỷ trọng. Tháng 3 năm nay, xử sở hoa anh đào là thị trường xuất khẩu của 67 doanh nghiệp tôm Việt Nam với các sản phẩm chính như: tôm phủ bột đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh, tôm tẩm bột xù,.....
MỖI NĂM HÀ NỘI MỞ RỘNG 300 – 500 HA CÂY TRỒNG THEO HƯỚNG HỮU CƠ
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, sản xuất hữu cơ là xu thế tất yếu để hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, gắn với du lịch sinh thái. Giai đoạn từ 2021 đến 2025, mỗi năm thành phố Hà Nội sẽ mở rộng sản xuất ít nhất từ 300 đến 500 ha cây trồng theo hướng hữu cơ. Để đạt mục tiêu này, ngành nông nghiệp thủ đô đã giao các đơn vị xây dựng mô hình, làm cơ sở rút kinh nghiệm để nhân rộng. Đặc biệt, thành phố gắn chặt việc mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ với truy xuất nguồn gốc, tuân thủ và minh bạch trong quy trình sản xuất, làm cơ sở xây dựng, phát triển bền vững thương hiệu.
GIÁ DƯA HẤU TẠI ĐBSCL THẤP NHẤT TỪ ĐẦU NĂM
Giá dưa hấu tại ÐBSCL hiện giảm từ 2.000-7.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng và đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.Cụ thể, dưa hấu được thương lái thu mua tại ruộng chỉ ở mức 3.000-5.000 đồng/kg, trong khi trước đây có giá lên đến 8.000-10.000 đồng/kg. Giá dưa hấu giảm mạnh do nguồn cung dồi dào khi đang bước vào vụ thu hoạch rộ, trong khi đầu ra gặp khó, đặc biệt là xuất khẩu sang Trung Quốc. Thời điểm này, sức tiêu thụ dưa hấu tại nhiều địa phương trong nước cũng giảm so với các tháng trước, nhất là khi Nam Bộ đã bước mùa thu hoạch của nhiều loại trái cây.